Vào dịp Tết Nguyên đán, các gia đình Hong Kong thường chọn món lẩu trong các dịp tụ tập ăn uống, tuy nhiên món ăn này lại tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Ngày hôm qua, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong thông báo về trường hợp 11 thành viên trong một gia đình đều bị lây nhiễm nCoV sau khi tụ tập ăn lẩu và thịt nướng tại một nhà hàng hôm 26/1.
Giới chức y tế Hong Kong vẫn đang tranh cãi về việc liệu lẩu có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona hay không.
Giáo sư David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp của Đại học Trung Quốc, cho biết vấn đề không phải là các bữa ăn mà là do thực khách tập trung lại gần nhau.
Nhưng chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Joseph Tsang Kay-yan cho biết các bữa ăn lẩu có nguy cơ nhiễm bệnh cao, vì ngoài tiếp xúc gần, hơi nước từ nồi lẩu có thể cho phép các giọt chứa virus lơ lửng trong không khí đi xa hơn.
Đối mặt với mối lo ngại của công chúng về việc lây lan dịch bệnh qua món ăn khoái khẩu, các chuỗi nhà hàng lớn ở Hong Kong, như Fairwood, Cafe de Coral và Maxim, đã tuyên bố rằng họ sẽ tạm thời đình chỉ các món trong thực đơn lẩu.
Hôm thứ Hai, Maxim cho biết trong số các thành viên gia đình bị nhiễm nCoV có hai người là nhân viên của họ, hiện đang làm việc tại các trung tâm thương mại Moko và Alexandra House. Hai nhà hàng tại đây sẽ đóng cửa trong hai tuần để khử trùng.
Chuỗi thức ăn nhanh Nhật Bản Yoshinoya cũng đình chỉ các món lẩu, trong khi chuỗi nhà hàng Trung Quốc Fulum Group cũng đã có động thái tương tự.
Chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc - Haidilao, cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ tiếp tục hoạt động 4 chi nhánh ở Hong Kong, nhưng sẽ có biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus - bao gồm kiểm tra nhiệt độ cho khách hàng và cung cấp dung dịch khử trùng tay.
Chuỗi nhà hàng lẩu Halidao vẫn mở cửa 4 chi nhánh tại Hong Kong bất chấp tâm lý sợ lẩu. Ảnh: Bloomberg |
Nhà hàng lẩu bò 616 ở Hong Kong đã chứng kiến hoạt động kinh doanh sụt giảm khoảng 90% kể từ khi dịch bệnh bùng phát, theo chủ sở hữu Gordon Lam Sui-wa. Ông cho biết cửa hàng của mình hiện chỉ phục vụ hai đến ba bàn mỗi ngày.
Để bảo vệ nhân viên và khách hàng tốt hơn, Lam cho biết ông sẽ yêu cầu nhà hàng của mình phải được khử trùng mỗi ngày và nhân viên phải đo nhiệt độ trước khi làm việc. Quán ăn cũng cung cấp thuốc khử trùng tay cho thực khách.
Simon Wong Ka-wo, chủ tịch Liên đoàn các nhà hàng và các ngành nghề ẩm thực ở Hong Kong, cho biết các doanh nghiệp lẩu đã giảm hơn 50% doanh thu kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
"Mùa đông đã từng là mùa cao điểm của họ, nhưng sự bùng phát của virus corona đã khiến họ phải thiệt hại rất nhiều, tin tức về các trường hợp liên quan đến lẩu sẽ làm điều này trở nên tồi tệ hơn", ông Wong nhận định.
Wong nói thêm rằng các quán ăn nên tiếp tục cải thiện tình hình vệ sinh, bao gồm yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang và lau tay, cũng như đảm bảo chất lượng thức ăn.
Các nhà hàng có thể cung cấp nhiều không gian hơn giữa các ghế cho thực khách và cung cấp các sản phẩm vệ sinh như thuốc khử trùng, ông nói thêm.
Quản lý nhà hàng có kinh nghiệm 30 năm Samme Cheng cho biết toàn bộ ngành phục vụ đã phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng.
"Kể từ khi làn sóng biểu tình nổ ra, ngành công nghiệp này đã có những thách thức nghiêm trọng. Bây giờ sự bùng phát của nCoV đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nhiều quán ăn đã buộc phải cho nhân viên nghỉ phép không lương, cũng như đàm phán với chủ nhà để cắt giảm tiền thuê mặt bằng", ông Cheng cho biết.
Nhà lập pháp ngành dịch vụ ăn uống Tommy Cheung Yu-yan kêu gọi chính quyền và các ngân hàng đưa ra các biện pháp cứu trợ càng sớm càng tốt để hỗ trợ cho các quán ăn, bao gồm giảm giá thuê nhà. Ông cũng gọi các cơ quan chức năng để làm rõ chi tiết về vụ lây lan giữa 11 người trong gia đình ăn lẩu.
"Thông tin đó có thể gây ấn tượng sai cho công chúng rằng ăn lẩu có thể truyền nhiễm bệnh, nhưng thực tế, nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu như trên các chuyến tàu và xe buýt", ông Cheung nói.