Trước tình hình này, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) bếp ăn trường học.
Năm học mới, mối lo cũ
Vừa bước vào năm học mới, tại Trường tiểu học Lê Hữu Tựu, xã Nguyên Khê và Trường tiểu học Tiên Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội), sau bữa ăn, hàng loạt HS phải nhập viện. Trước đó vài ngày, một trường tiểu học tại quận 2, TPHCM cũng có 98 em có biểu hiện bất thường sau bữa ăn bán trú.
Gần đây, dư luận cũng thảng thốt khi chứng kiến bữa ăn bán trú tại một Trường Tiểu học ở quận 9 (TPHCM) thiếu chất, không bảo đảm dinh dưỡng với vài miếng trứng, dăm ba lát thịt mỏng, vài cọng nui. Bát canh chỉ có rau. Hoa quả tráng miệng không còn tươi, đã bị dập hoặc chín nẫu dù phụ huynh đã cẩn thận “chọn giá đắt nhất” để hy vọng các con sẽ có suất ăn đầy đủ, bảo đảm.
Chưa hết, Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm xác nhận thông tin phát hiện giòi sống bò trên khay thức ăn của HS trung học trong bữa ăn bán trú. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Ba Đình còn phát hiện thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay của trường không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm. Nhiều phụ huynh đã rất bức xúc, yêu cầu nhà trường ngừng ký hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn và có phương án thay thế. Ngay sau đó, Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục đã quyết định chấm dứt hợp đồng với đơn vị cung ứng suất ăn cho trường này là Công ty Hà Thành.
Phụ huynh cùng giám sát
Hà Nội hiện có hơn 1.600 trường học tổ chức cho HS ăn bán trú tại trường, chiếm khoảng 65% tổng số trường của toàn thành phố. Trong số đó, trường mầm non và tiểu học chiếm hơn 90%. Ngay khi có thông tin về các vụ việc mất VSATTP, HS bị ngộ độc trong trường học, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho HS, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và thời gian sử dụng.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, trước yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn bếp ăn trường học, một trong những việc được quận chú trọng là phổ biến và kết nối giữa phụ huynh, nhà trường và đơn vị cung cấp thực phẩm để cùng chia sẻ, tìm hiểu, giám sát hoạt động với cùng mục tiêu bảo đảm an toàn cho bếp ăn trường học.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, trong các trường mầm non, công tác nuôi dưỡng luôn chiếm một vị trí quan trọng và trở thành một tiêu chí đánh giá chất lượng của mỗi nhà trường. Từ năm học 2017 - 2018, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã triển khai phần mềm tính khẩu phần ăn trực tuyến cho tất cả các trường mầm non và nhóm lớp tư thục trên địa bàn quận. Qua đó, công tác nuôi dưỡng trong các nhà trường đã có những thay đổi tích cực. Khái niệm cho trẻ ăn no, ăn đủ nhờ phần mềm xây dựng khẩu phẩn ăn đã được định lượng một cách cụ thể phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của từng độ tuổi.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, hướng tới một bữa ăn đủ lượng, đủ chất, cung cấp cho trẻ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển cũng mới chỉ là điều kiện cần. Cho trẻ ăn đủ, ăn đúng mới chỉ đạt được một nửa yêu cầu trong nuôi dưỡng. Quan tâm tới chất lượng bữa ăn, nhưng bữa ăn cũng rất cần được trẻ đón nhận một cách hạnh phúc. Chế biến đủ chất nhưng phải ngon miệng trẻ mới thực là yêu cầu phải đạt tới.
Hiệu trưởng Công Thị Thu của Trường MN Đoàn Thị Điểm cho biết: Để bảo đảm an toàn bữa ăn cho trẻ, sau khi yêu cầu đơn vị cung ứng sản phẩm cam kết chất lượng sản phẩm cung cấp, nhà trường đã dán công khai nội dung cam kết trên bảng tin của các lớp và đăng trên website của nhà trường để phụ huynh biết. Phụ huynh cũng được mời để cùng với các bộ phận của nhà trường chứng kiến việc giao nhận lương thực, thực phẩm hàng ngày…
Tăng cường cơ chế giám sát
Quận Long Biên hiện có 124 trường MN, TH, THCS và 105 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Toàn quận có 228 bếp ăn tập thể, trong đó tự nấu 180 cơ sở; nhà thầu: 46 cơ sở; thuê ngoài: 2 cơ sở; 16 căng tin. Bà Lương Thị Minh Nguyệt - Trưởng phòng Y tế quận Long Biên cho biết: Qua kiểm tra, giám sát công tác VSATTP cho thấy, các trường học có ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện tốt các qui định vè ATTP, chủ động kiểm soát chặt chẽ việc giao nhận thực phẩm, không có tình trạng sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, theo bà Nguyệt: Thực tế vẫn còn một số trường có cơ sở vật chất chưa đáp ứng tốt để tổ chức ăn bán trú. Một số trường tiểu học, THCS triển khai cho HS ăn tại lớp học hoặc phòng thể chất; Bếp trưởng bếp ăn tập thể của một số trường chưa có bằng cấp, trình độ chuyên môn về nấu ăn. Bà Nguyệt đề xuất: Hiệu trưởng, chủ trường, chủ lớp phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm ATTP, lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm (bao gồm thực phẩm, suất ăn sẵn, dịch vụ chế biến suất ăn sẵn tại trường) cho trường học; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỹ và đột xuất; Bếp trưởng bếp ăn tập thể của trường công lập phải có trình độ từ trung cấp nấu ăn trở lên hoặc phải được đào tạo về kỹ thuật nấu ăn đáp ứng điều kiện của bếp ăn bán trú…
Ông Hoàng Hữu Trung - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Để bảo đảm công tác VSATTP và dinh dưỡng học đường, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2020 – 2021, chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc các nội dung cụ thể. Trong đó, yêu cầu liên ngành y tế, giáo dục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học: bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, nước uống cho HS, các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học. Phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú cho HS bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, từng bước triển khai áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại các trường tiểu học bán trú; chương trình Sữa học đường nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo, tiểu học.
Ông Trung cho biết thêm, ngay sau khi nhận được thông tin báo cáo về sự việc mất VSATTP bữa ăn HS ở một số trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và kiểm tra chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin trường học, nhất là với các trường MN, TH, THCS tổ chức học 2 buổi/ngày; bảo đảm không để xảy ra những sự việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn HS, ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
Đặc biệt, các đơn vị, trường học cần đẩy mạnh cơ chế giám sát tất cả các khâu từ cung ứng đến chế biến, cung cấp bữa ăn HS với sự tham gia của nhà trường, PHHS và đơn vị cung ứng thực phẩm cũng như đơn vị liên kết cung ứng suất ăn. Rà soát lại hồ sơ pháp lý của các đơn vị cung ứng suất ăn…