Mức giá 5p (khoảng 1.500 đồng) cho 1 túi ni lông tại cửa hàng được áp dụng từ năm 2015 và được cho là đã làm giảm 95% doanh số tiêu thụ túi ni lông tại các siêu thị.
Mặc dù chính sách trên chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp bán lẻ có từ 250 nhân viên trở lên, nhưng đã góp phần vào việc nhanh chóng loại bỏ hàng tỷ túi ni lông sử dụng một lần khỏi lưu thông ở Anh. Một người bình thường ở Anh hiện chỉ mua 4 túi mỗi năm từ các siêu thị chính, so với con số 140 vào năm 2014.
Số lượng túi ni lông trên các bãi biển của Vương quốc Anh cũng đã giảm hơn 60%, theo Hiệp hội Bảo tồn Biển.
Đề xuất tăng giá lên 10p (khoảng 3.000 VNĐ) và áp dụng mở rộng cho tất cả các nhà bán lẻ đã được công bố vào năm 2018, nhưng kết thúc trong tình trạng lấp lửng giữa cuộc tranh cử lãnh đạo Tory, cuộc tổng tuyển cử và sự bùng lên của đại dịch COVID-19.
Khoản phí này thậm chí đã tạm thời bị đình chỉ đối với dịch vụ giao hàng trực tuyến trong sáu tháng kể từ ngày 21/3 năm nay.
Nhà vận động của Tổ chức Hòa bình xanh, ông Sam Chetan-Welsh cho rằng chính phủ nên nỗ lực hơn nữa để giảm ô nhiễm rác thải nhựa hơn là chỉ cắt giảm mỗi túi ni lông: “Chính phủ nên đặt ra các mục tiêu ràng buộc pháp lý ngay từ bây giờ đối với các nhà bán lẻ để giảm 50% lượng nhựa sử dụng một lần vào năm 2025. Và họ nên làm việc nhanh chóng để đảm bảo các nhà sản xuất nhựa có thương hiệu lớn chịu trách nhiệm xử lý rác thải của họ. Các bộ trưởng thực sự không có lý do gì để không tăng chi phí cho các công ty chịu trách nhiệm về khối lượng bao bì nhựa dùng một lần ngày càng leo thang”.