Nhiều nhà máy sản xuất phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa, doanh nghiệp không tiếp cận được với khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh. Khó khăn liên tiếp làm cho nguồn lực dự trữ của doanh nghiệp bị bào mòn, dần cạn kiệt.
Trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự sụt giảm mạnh cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. Đây là tháng Chín có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký thấp nhất kể từ năm 2016.
Một số địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký giảm mạnh trong tháng Chín là: Thành phố Hồ Chí Minh có 594 doanh nghiệp, giảm 80,9% so với cùng kỳ năm 2020 (vốn đăng ký 14,5 nghìn tỷ đồng, giảm 88%); Bình Dương có 63 doanh nghiệp, giảm 89,8% (vốn đăng ký 959 tỷ đồng, giảm 75,2%); Đồng Nai có 39 doanh nghiệp, giảm 88,1% (vốn đăng ký 230 tỷ đồng, giảm 95,8%); Cần Thơ có 19 doanh nghiệp, giảm 85,4% (vốn đăng ký 53 tỷ đồng, giảm 96,6%); Hà Nội có 891 doanh nghiệp, giảm 52,6% (vốn đăng ký 13 tỷ đồng, giảm 28,7%).
Tuy nhiên một số địa phương do kiểm soát tốt dịch bệnh nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng tăng so với cùng kỳ: Hải Phòng có 206 doanh nghiệp, tăng 21,9% (vốn đăng ký 1.141 tỷ đồng, giảm 29,9%); Bắc Giang có 101 doanh nghiệp, tăng 7,4% (vốn đăng ký 1648 tỷ đồng, tăng 9,7%).
Quý III năm 2021 (thời điểm việc giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt nhất), số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 18,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 51,3% so với quý trước và giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký mới giảm 48,8% so với quý trước và giảm 65,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký đạt 1.195,8 nghìn tỷ đồng, giảm 16,3%; tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 9 tháng năm 2021 tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 17,4%; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.
Số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng đã gây áp lực giải quyết việc làm cho thị trường lao động, đồng thời làm tăng nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới. Những doanh nghiệp đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Mặc dù các gói hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ là đúng đắn và kịp thời nhưng các cấp triển khai còn hạn chế nên bộ phận doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới ngoài việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm.