Cụ thể, Thủ tướng Scott Morison đã yêu cầu các cơ quan tình báo điều tra xem liệu TikTok có gây ra mối đe dọa an ninh hay không, ngoài ra Bộ Nội vụ Australia cũng đang tìm hiểu cách thức để xử lý mọi rủi ro bảo mật dữ liệu hoặc quyền riêng tư do ứng dụng gây ra.
TikTok đã bị các nhà lập pháp ở Mỹ theo dõi kỹ lưỡng từ năm ngoái vì lo ngại rằng công ty này sẽ buộc phải gửi dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc dựa theo luật an ninh quốc gia.
Đại diện ứng dụng này khẳng định người dùng Australia không phải lo lắng về việc bảo mật dữ liệu và công ty không gửi dữ liệu người dùng cho bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.
Tháng trước, Ấn Độ đã cấm TikTok cùng với hơn 50 ứng dụng khác nhau của Trung Quốc liên quan tới làn sóng tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc.
Còn vào tuần trước, một số nhà lập pháp Nhật Bản tuyên bố họ đang điều tra các hạn chế đối với các ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok, vì lo ngại dữ liệu có thể rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.
Cuộc điều tra của Australia cũng diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Canberra và Bắc Kinh về các vấn đề như thương mại và an ninh.
Tuần trước, các đại sứ Australia và Trung Quốc đã đụng độ trên Twitter do chính quyền Canberra đứng về phía Washington trong việc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ủy viên cấp cao của Úc tại Ấn Độ Barry O’Farrell cho biết ông rất quan ngại trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng đây là một hành vi gây bất ổn và có thể kích động leo thang.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong đáp trả rằng "có những người bảo vệ nền hòa bình và ổn định và những người khác gây bất ổn và kích động leo thang căng thẳng trong khu vực".