Điệp Sơn, Khánh Hòa
Đây là con đường dưới biển được biết đến đầu tiên và nổi tiếng nhất, dài gần 700 mét, nối liền hòn đảo giữa với đảo Điệp Sơn lớn. Tùy thuộc vào thủy triều lên xuống, thường từ 6h sáng, con đường sẽ lộ ra, là dải cát màu trắng, rộng chừng nửa mét giữa biển khơi xanh biếc. Khách đến đây chỉ cần xắn quần, nâng váy lội qua làn nước trong vắt, ngắm nhìn đại dương bao quanh cũng đủ thích thú.
Theo kinh nghiệm của những người đã đi, bạn đi tàu từ bến Vạn Giã, sau dừng ở đảo giữa để đi bộ ra đảo Điệp Sơn lớn. Quanh đó có nhiều hòn đảo đẹp, nổi bật là hòn Một với cánh đồng cỏ lau ngút ngàn. Thời gian hợp lý để trải nghiệm đảo là một ngày. Bạn nên chuẩn bị lều, thức ăn, đồ uống vì dịch vụ trên đảo chưa phát triển.
Nhất Tự Sơn, Phú Yên
Được biết đến sau đó, Nhất Tự Sơn ở Phú Yên cũng là một trong ít nơi có con đường đi bộ trên biển độc đáo. Đảo nằm ở vịnh Xuân Đài, cách thành phố Tuy Hòa chừng 50 km. Con đường này cũng ẩn hiện theo con nước thủy triều. Thường từ mùng một đến ngày 15 âm lịch hàng tháng, nước sẽ rút vào buổi chiều, còn từ ngày 15 âm lịch đến cuối tháng, nước sẽ rút vào buổi sáng. Khi đó, bạn có thể lội nước hoặc đi bộ trên doi cát ra ngoài đảo.
Lên đảo, bạn có thể ngắm nhìn vịnh Xuân Đài từ trên cao. Người dân cũng đã bắt đầu mở dịch vụ ăn uống với dãy chòi lá dựng trên biển. Một trong những đặc sản của nơi này là tôm hùm.
Hòn Bà, Vũng Tàu
Con đường dẫn ra Hòn Bà ẩn hiện dưới mực nước lên xuống của thủy triều. Khác với hai con đường cát mịn trên, "thủy đạo" ra Hòn Bà là con đường đá xám. Theo những người dân sống ở đây, vào những ngày 14-15 và mùng 1 âm lịch hàng tháng khi nước biển rút, con đường này mới xuất hiện. Đá ở đây bám rêu và hàu, không chỉ trơn mà còn sắc nhọn, nên khách muốn đi bộ vượt biển cần mang giày dép đế có ma sát cao.
Trên Hòn Bà là ngôi miếu cùng tên được người dân xây dựng để thờ cúng, cầu những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió. Hòn Bà là một đảo nhỏ, diện tích ước chừng 5.000 m2, tọa lạc tại vùng biển Bãi Sau (TP Vũng Tàu), cách mũi Nghinh Phong khoảng 200m.