Trong nhiều chương trình nhằm phục vụ ngày giỗ Tổ đền Hùng 2016, đáng chú ý có chương trình chọn 1 trong 3 mẫu phác thảo về vua Hùng để làm tượng đài vua Hùng. Chương trình được phát động ngay từ những ngày đầu tháng 3 Âm lịch năm nay tại sân trung tâm của Khu di tích Lịch sử đền Hùng.
Mẫu phác thảo HV-01.
Ba mẫu phác thảo về vua Hùng được đánh dấu lần lượt là HV-01, HV-02, HV-03. Cả ba mẫu được trưng bày chung trong một gian dài, rộng đủ cho nhiều người đứng chiêm ngưỡng, bình phẩm. Không những thế, du khách khi đến đây còn được quyền bỏ phiếu chọn một trong ba mẫu phác thảo trên. Điều này khiến cho nhiều người tỏ ra khá thích thú và cảm động.
Về mẫu phác thảo số 1 (HV-01): Thể hiện hình tượng vua Hùng đứng trên bệ với khối hình khỏe khoắn, gương mặt quắc thước. Trang phục của tượng được tham khảo từ các hoa văn trang trí của thời đại Hùng Vương. Thể hiện sự chắc chắn, bề thế của thời đại đầu thời dựng nước khiến ta liên tưởng đến sự tích Sơn Tinh – Thủy Tinh, thể hiện con người thời Hùng Vương khai phá, chế ngự thiên nhiên... Toàn cảnh bức tượng chuyển tải nội dung hồn thiên sông núi theo truyền thuyết được cách điệu mây và chim lạc, thuyền và sóng nước gợi về nền văn hóa Đông Sơn thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc.
Mẫu phác thảo HV-02.
Về mẫu phác thảo số 2 (HV-02): Khuôn mặt vua Hùng chữ Điền thể hiện trí tuệ và sức mạnh thu phục lòng người, đồng thời thể hiện được sự vui tươi, rạng ngời. Trên đầu tượng vua đội chiếc mũ lông chim với 9 chiếc lông biểu tượng cho mặt trời, cho trí tuệ của đất nước. Con số 9 cũng là con số tâm linh ứng với sự đặc biệt, đặc sắc và linh thiêng trong quan niệm dân tộc, khiến chúng ta gợi nhớ đến câu chuyện tìm báu vật voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh.
Về mẫu phác thảo số 3 (HV - 03) : Tư thế thẳng, vươn cao, mắt nhìn phía trước, nét mặt vui tươi, thản nhiên. Đặc biệt tay trái nâng nắm đất tổ quốc, trên có những hạt giống quý làm nên những mùa màng bội thu. Thể hiện nhớ về nguồn cội và kế tục sự nghiệp muôn đời. Bức tượng vừa thể hiện được sự quyền uy, nhưng cũng thể hiện được sự thân thiện, gần gũi.
Theo một người trực hòm phiếu thì trong hơn một tuần nay, có rất nhiều người đến bỏ phiếu bình chọn ba mẫu phác thảo làm tượng đài. Người trực hòm phiếu cũng không nhớ, một ngày ban tổ chức nhận được bao nhiêu phiếu bởi quá đông người cùng đến bàn đăng ký bình chọn.
Mẫu phác thảo HV-03.
Trong một khảo sát nhỏ của PV Ngày Nay Online, thì đa số người dân bình chọn cho mẫu phác thảo HV–02. Theo đó, đây là mẫu tượng thể hiện được sự gần gũi và bao bọc của một vị vua đối với muôn dân. Qua đó cũng thể hiện được sự chở che, thương yêu của người cha đối với các con của mình.
Về tinh thần chung, thì nhiều người dân đều cảm thấy thích thú với 3 mẫu phác thảo trên, nhưng dưới góc độ lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi băn khoăn một điều, các vị vua Hùng là các vị vua Hùng nào trong 18 đời vua Hùng, vị đầu tiên, hay vị cuối cùng được chọn làm tượng đài, mặc dù đó chỉ là truyền thuyết?
Như Thánh Gióng, Đức Phật thì có một thôi. Khi nói vua Hùng là nói 18 đời vua Hùng, chứ không phải một. Chẳng qua là mình quen miệng gọi là vua Hùng thôi. Mười tám đời vua Hùng, thì đó là vị nào, anh phải nói rõ ra, vị đầu tiên hay vị cuối cùng, vị nào nổi bật để được chọn làm tượng đài”.
Được biết, ba mẫu phác thảo trên được chọn trong cuộc thi Sáng tác phác thảo mẫu tượng đài Hùng Vương do tỉnh Phú Thọ tổ chức từ cuối năm 2015. Hội đồng bầu chọn gồm 11 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Hà Kế San làm trưởng ban. Các thành viên trong hội đồng đều là những chuyên gia về hội họa và điêu khắc.
Vũ Đoàn