Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2018 vừa được Ngân hàng nhà nước tổ chức, lãnh đạo ba ngân hàng lớn có vốn nhà nước chiếm cổ phần chi phối đều đề nghị Thủ tướng cho phép tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (VCB), đề xuất cho ngân hàng này được giữ lại 50% cổ tức của nhà nước được chia trong năm 2017 để tăng vốn. Bởi hệ số an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng thương mại nhà nước đã sát ngưỡng an toàn theo quy định của Ngân hàng nhà nước.
Cùng đề xuất tăng vốn, ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank) kiến nghị Chính phủ cho Vietinbank được giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017.
Ngoài ra, Chính phủ xem xét bổ sung vốn điều lệ cho Vietinbank từ các nguồn vốn khác, như từ Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.
"Hiện Vietinbank chỉ biết trông chờ duy nhất vào giải pháp các cổ đông cùng góp vốn để tăng vốn. Bởi thời gian qua, Vietinbank đã sử dụng các biện pháp để tăng cường năng lực tài chính như bán bớt phần vốn nhà nước tại ngân hàng; Phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2"- Ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, năm ngoái Vietinbank cũng chưa được tăng vốn dù đã có kiến nghị. Hiện tình hình rất cấp bách. Nếu không tăng vốn thì ngay trong quý 1 năm nay thôi, chỉ số an toàn vốn của Vietinbank sẽ sát ngưỡng tối thiểu quy định của Ngân hàng nhà nước cũng như thông lệ quốc tế.
Mặt khác, chỉ số an toàn vốn thấp cũng rất khó khăn cho ngân hàng trong việc tăng trưởng tín dụng phục vụ cho nền kinh tế.
Như lãnh đạo hai ngân hàng trên, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ cho phép được tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách. Bởi đây là ngân hàng có vốn 100% nhà nước.
Cách đây 2 năm, Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) và VietinBank chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước.
VCB sẽ là ngân hàng số 1 của Việt Nam
Năm 2018, VCB được phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trở thành ngân hàng số 1 của Việt Nam.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (VCB) ngày 12-1, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị VCB cho biết Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng vừa phê duyệt đề án cơ cấu lại VCB đến năm 2020.
Theo đó, giao cho VCB xây dựng để trở thành ngân hàng số 1 của Việt Nam, là 1 trong 300 tập đoàn tài chính lớn nhất toàn cầu.
Thêm nữa, cũng theo lãnh đạo của VCB, Thống đốc cũng quyết định cho phép VCB phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2018.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc VCB cho biết tổng tài sản đặt mục tiêu tăng 14%; Huy động vốn từ nền kinh tế tăng 17%; Tín dụng tăng 16%; Nợ xấu dưới 1%. Lợi nhuận trước thuế đạt 12.000 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2017.