Chiều 10/8, hàng chục hộ dân nuôi cá dưới cầu Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) đã kéo đến UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu được gặp Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình để trình bày vụ cá chết bất thường trên sông Chà Và vào những ngày qua. Tuy nhiên, do chủ tịch UBND tỉnh đang đi công tác nên các hộ dân chưa gặp được.
Trước đó, theo phản ánh của người dân nuôi cá ở xã Long Sơn, khoảng 1 tuần qua, hiện tượng cá chết xảy ra rải rác khắp các lồng bè khiến họ đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Công Biên, người dân nuôi cá, cho biết: "Cá không có dấu hiệu bệnh nhưng lờ đờ, bỏ ăn rồi chết một cách bất thường. Hiện tượng này xảy ra ở hầu hết các lồng bè, mấy ngàn con cá giống của tôi cũng chết sạch. Chúng tôi rất muốn biết nguyên nhân xảy ra tình trạng này sau khi cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm".
Chiều cùng ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo về vụ việc.
Theo báo cáo, tính đến hết ngày 9/8, khoảng 241.000 con cá, ước khoảng gần 90 tấn, đã chết trong đợt vừa qua. Có 23 hộ dân xảy ra tình trạng cá chết, trong đó 11 hộ mới thả cá giống được vài ngày, còn lại cá đã trưởng thành 3-4 tháng. Trong đó, 9 hộ nuôi có lượng cá chết nhiều nhất (từ 10.000 đến 25.000 con).
Sau khi nhận được tin, Sở NN-PTNT đã lấy mẫu cá, mẫu nước để xét nghiệm. Kết quả cho thấy không có mẫu nào nhiễm virut gây bệnh hoại tử thần kinh trên cá nước mặn, lợ. Các mẫu cá đều có sự xuất hiện của Vibrio spp - vi khuẩn gây lở loét, xuất huyết trên cá. Các mẫu nước đều có chỉ tiêu COD và NH3 vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời điểm xảy ra cá chết, cống số 6 tại xã Tân Hải (cống xả thải gây ra tình trạng cá chết hàng loạt vào năm 2015) đã đóng kín, không có hiện tượng xả thải, do trời mưa nên làm giảm độ mặn cũng như hàm lượng ô-xy trong nước. Bên cạnh đó, lượng cá nuôi dày đặc cũng cản trở lưu thông của dòng nước.
Phân tích mẫu nước cho thấy có sự ô nhiễm cục bộ tại vùng nuôi, có một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên như nước thải sinh hoạt của các hộ dân tại khu vực, lượng thức ăn dư thừa nhiều. Sau khi xảy ra cá chết, người dân không xử lý đúng quy trình mà có hiện tượng vứt xác cá trên sông khiến môi trường nước càng ô nhiễm, cá chết nhiều hơn.
Cũng từ phản ánh của người dân, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở kinh doanh Ngọc Việt (kinh doanh các loại vật tư đóng bè nổi nuôi trồng thủy sản) xả nước thải súc rửa các thùng phuy nhựa, nhãn mác bên ngoài ghi chứa một số hóa chất, ra gần khu vực cá chết nên thu giữ và đang phân tích mẫu nước thải.
Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các hộ dân cũng như chính quyền địa phương vận động người dân thu hoạch số cá đã đạt kích cỡ để giảm bớt thiệt hại, dừng việc thả cá giống để cải tạo môi trường nước. Đồng thời, tìm ra nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt.
Theo NLĐ