“Xẻ thịt” đất đã giao cho doanh nghiệp
Tháng 8/2023, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quyết định thanh tra việc cho thuê đất của Công ty Đầu tư và Khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (viết tắt là Công ty IZICO).
Công ty IZICO - đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh - là chủ đầu tư và khai thác hạ tầng hai Khu công nghiệp Đông Xuyên và Khu công nghiệp Phú Mỹ 1.
Việc thanh tra được thực hiện theo kết luận của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về giải quyết đơn khiếu nại của Công ty Cổ phần Hyundai Tân Phú đối với một khu đất trong Khu Công nghiệp Phú Mỹ 1 (Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Năm 2011, Công ty Hyundai Tân Phú được Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp xe ô tô, diện tích đất sử dụng khoảng 21ha, Công ty IZICO bàn giao đất cho doanh nghiệp cùng năm.
Cuối năm 2013, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty Hyundai Tân Phú và sau đó tham mưu tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 doanh nghiệp khác thực hiện dự án trên khu đất 21ha này.
Đến năm 2017, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh ra 5 công văn thoả thuận diện tích đất để các doanh nghiệp mới chuẩn bị đầu tư. Công ty IZICO bàn giao đất thực địa và ký hợp đồng cho thuê lại với 4 nhà đầu tư, 1 nhà đầu tư còn lại chưa nhận bàn giao đất trên thực địa, chưa ký hợp đồng thuê lại đất.
Công ty Hyundai Tân Phú cho rằng việc làm này của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh là trái quy định pháp luật, tổ chức thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp khác nhưng không thông báo…, dẫn đến không thể triển khai thực hiện dự án nhà máy, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích của Hyundai. Do đó, Công ty Hyundai Tân Phú khiếu nại.
Trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Anh Triết - nguyên Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc Công ty IZICO. |
Kết luận Thanh tra cho thấy, vào năm 2017, khu đất 21ha không đủ điều kiện để Ban Quản lý các Khu công nghiệp tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như thoả thuận khu đất này cho các nhà đầu tư khác.
“Do diện tích đất này chưa được giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án Nhà máy lắp ráp ô tô Hyundai Tân Phú của Công ty Hyundai... Vì vậy, các văn bản thoả thuận địa điểm do Ban Quản lý các Khu Công nghiệp ký cho 5 nhà đầu tư vào năm 2017 trên khu đất 21ha cần phải thu hồi, huỷ bỏ....
Việc Công ty IZICO bàn giao đất thực địa và ký hợp đồng thuê lại đất với 4 nhà đầu tư vào năm 2017 chỉ là về hình thức..., không có đất để bàn giao cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án..., trên thực tế khu đất 21ha vẫn do Công ty Hyundai sử dụng....”, kết luận thanh tra nêu.
Để xảy ra những sai sót trên, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Anh Triết - nguyên Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc Công ty IZICO.
Đóng dấu “Mật” rồi “Giải Mật” sau 14 ngày
Những nội dung vừa nêu nằm trong Kết luận Thanh trasố 314 “về thanh tra việc cho thuê đất của Công ty Đầu tư và Khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 tại khu vực đất Công ty Cổ phần Hyundai Tân Phú đang khiếu nại”, được ông Nguyễn Văn Đa - Chánh Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký, ban hành ngày 22/12/2023, trên Kết luận có dấu “MẬT”.
Đến ngày 4/1/2024, Trang thông tin điện tử Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đăng tải thông tin công khai“Thông báo kết luận thanh tra…”, kèm theo Toàn văn Kết luận số 314. Lúc này, trên Kết luận Thanh tra số 314 có thêm dấu “GIẢI MẬT từ 04/01/2024”.
Thật khó hiểu với quyết định đóng dấu “MẬT” vào Kết luận Thanh tra số 314 với nội dung chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh và Công ty IZICO của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để rồi sau đó 14 ngày lại phải “GIẢI MẬT” để công bố, làm dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi?
Nội dung Kết luận Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý đất đai trong KCN Phú Mỹ 1. |
Theo Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước phân loại bí mật nhà nước thành 3 độ mật: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.
Điều 19 Luật này quy định: Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn sau đây: 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật, 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.
Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về hoạt động có thể ngắn hơn thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này và phải xác định cụ thể tại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi xác định độ mật. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về địa điểm kết thúc khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không sử dụng địa điểm đó để chứa bí mật nhà nước.
Điều 22 quy định về Giải mật. Giải mật là xóa bỏ độ mật của bí mật nhà nước. Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây: a) Hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định tại Điều 19 của Luật này và thời gian gia hạn quy định tại Điều 20 của Luật này; b) Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế; c) Không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này thì đương nhiên giải mật. Trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này, cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước phải đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc giải mật và thông báo ngay bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc giải mật đối với bí mật nhà nước trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này được quy định như sau: a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước thành lập Hội đồng giải mật; b) Hội đồng giải mật bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan; c) Hội đồng giải mật có trách nhiệm xem xét việc giải mật, báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định;
d) Bí mật nhà nước sau khi giải mật phải đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc giải mật; trường hợp giải mật một phần thì quyết định giải mật phải thể hiện đầy đủ nội dung thông tin giải mật; đ) Hồ sơ giải mật phải được lưu trữ bao gồm quyết định thành lập Hội đồng giải mật; bí mật nhà nước đề nghị giải mật; biên bản họp Hội đồng giải mật; quyết định giải mật và tài liệu khác có liên quan.
Đối với bí mật nhà nước do Lưu trữ lịch sử lưu trữ, nếu không xác định được cơ quan xác định bí mật nhà nước thì Lưu trữ lịch sử quyết định việc giải mật theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày có quyết định giải mật, cơ quan, tổ chức quyết định giải mật phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi nhận được thông báo về việc giải mật có trách nhiệm đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc giải mật đối với bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ nhận định: “Đối với Kết luận Thanh tra số 314 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có dấu “Mật” được “Giải Mật” chỉ trong vòng 14 ngày, thuộc điểm b) khoản 2 Điều 22 Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước: “Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế”. Việc giải mật phải được thực hiện theo các quy định bắt buộc đã nêu ở trên”.
Ông Nguyễn Anh Triết có nhiều năm làm Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 28/12/2023, tỉnh tổ chức trao quyết định về hưu cho 5 cán bộ, lãnh đạo, trong đó có ông Nguyễn Anh Triết.
Vài ngày trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi các đơn vị chức năng về việc thực hiện Kết luận Thanh tra. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Anh Triết - nguyên Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty IZICO....
Đây là quãng thời gian Kết luận Thanh tra số 314 được đóng dấu “Mật”.
Vào tháng 11/2017, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Phát biểu đóng góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi đó là bà Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay có tình trạng các bộ ngành đóng dấu mật vào tài liệu không mật để tránh việc phải công khai thông tin.
Bà Nga cho rằng, việc chậm công khai, công khai hình thức và lạm dụng bảo mật để không công khai thông tin đã ảnh hưởng đến cơ quan tổ chức nhà nước, công dân, ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng và đẩy một số người dân và hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp.
Bà đề nghị, các cơ quan soạn thảo văn bản cần rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất của quy định của luật này với các quy định của luật có liên quan về công khai minh bạch quyền tiếp cận thông tin, về phòng chống tham nhũng và công khai trong hoạt động tố tụng. Cùng đó, cần rà soát tạo điều kiện cho đại biểu và người dân đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật.
Ngày 15/11/2018, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 gồm 28 Điều trong 5 Chương và có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.