Tại buổi làm việc, trên tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, đại diện 3 đơn vị đã thống nhất chương trình hành động về một số nội dung: Tham mưu cho lãnh đạo 3 tỉnh thành lập mới Ban Chỉ đạo lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; thành lập Tổ giúp việc xây dựng hồ sơ dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, đồng thời dự kiến lộ trình, thời gian xây dựng hồ sơ.
Cụ thể, năm 2020 hoàn thành tóm tắt hồ sơ và đưa vào danh sách dự kiến đề cử di sản UNESCO. Trong thời gian sớm nhất có thể thực hiện các công việc chuyên môn liên quan đến hồ sơ di sản, hoàn thiện hồ sơ và thực hiện bảo vệ hồ sơ tiếng Việt tại Hội đồng Di sản Quốc gia; chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, thông qua Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ xin phép nộp hồ sơ lên UNESCO; hoàn thiện, trình hồ sơ bằng tiếng Anh lên UNESCO Paris.
Năm 2021 - 2022 trình hồ sơ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện (tiếng Anh) đến UNESCO Paris; đón chuyên gia ICOMOS/IUCN đến Việt Nam để thẩm định hồ sơ và có ý kiến cụ thể đối với hồ sơ; Ban Chỉ đạo giải trình, bổ sung hồ sơ sau thẩm định của chuyên gia ICOMOS/IUCN, tiếp tục hoàn thiện các giải trình/bổ sung, phản biện lại các báo cáo thẩm định của chuyên gia ICOMOS/IUCN. Dự kiến có thể thực hiện bảo vệ hồ sơ tại kỳ họp của Hội đồng Di sản Thế giới của UNESCO vào đầu năm 2023.
Được biết, việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới đã được Quảng Ninh chủ động phối hợp tỉnh Bắc Giang khởi động từ năm 2012.
Mới đây, sau thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong đó bổ sung tỉnh Hải Dương vào địa bàn nghiên cứu lập hồ sơ quần thể di tích Yên Tử và giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ. Trên cơ sở này, tỉnh Quảng Ninh cùng với 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tiếp tục thực hiện việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) với khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) hình thành nên không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng không chia cắt của địa giới hành chính nên cần sự phối hợp để bảo đảm sự vẹn toàn, quy mô của di sản. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đang được kỳ vọng có thể là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử nay phần lớn nằm trên địa phận phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) và một phần thuộc xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều). Khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo như chùa, am, tháp được xây dựng theo tuyến trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử, vùng phụ cận quanh chân núi từ thời Trần đến nay và cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật, các loài động vật trên núi rừng Yên Tử.