Bắc Ninh quan tâm phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tỉnh Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút gần 320.000 lao động làm việc. Sự phát triển của công nghiệp kéo theo việc gia tăng dân số cơ học, di dân từ các địa phương khác đến Bắc Ninh, gây áp lực không nhỏ đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Bắc Ninh quan tâm phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp

Là một trong những tỉnh có phong trào giáo dục trong tốp đầu cả nước, tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm phát triển đa dạng hóa các loại hình giáo dục, nhất là giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ ở những khu vực này.

Đa dạng hóa các loại hình giáo dục mầm non

Xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là địa phương thu hút hàng chục nghìn công nhân lao động đến sinh sống và làm việc. Công nhân đến làm việc, mang theo con nhỏ, vì vậy nhu cầu được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục lớn. Để đáp ứng nhu cầu của người lao động, tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm xây mới, mở rộng, tăng cường các điểm trường để đón trẻ.

Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Trung, xã Yên Trung, huyện Yên Phong cho biết, trường hiện có 2 điểm trường là 1 điểm trường lẻ và 1 điểm trường khu trung tâm. Năm học 2022-2023, trường đón nhận gần 1.200 trẻ đến học tập, trong đó có hơn 1.000 trẻ là con em công nhân lao động đang làm việc trong khu công nghiệp. Với đặc thù là trường nằm trên địa bàn khu công nghiệp với số lượng lớn người lao động nên nhà trường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quá tải trẻ và thiếu giáo viên do trường đang thực hiện hợp đồng theo chỉ tiêu được giao, vì vậy hầu hết các lớp học đều có sĩ số trên 30 trẻ/lớp.

Mặc dù thiếu giáo viên nhưng các cô giáo trong trường luôn khắc phục khó khăn, chăm sóc tốt cho trẻ để bố mẹ yên tâm làm việc. Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Trường Mầm non Yên Trung cho biết, cô đã làm việc tại ngôi trường được nhiều năm. Do đặc thù công nhân thường đi làm sớm, về muộn nên cô luôn chủ động đến trường sớm và về muộn hơn, tạo điều kiện cho phụ huynh của trẻ yên tâm làm việc. Để có thể hoàn thành được công việc, bản thân gia đình của mỗi cô giáo mầm non cũng có sự cảm thông, hỗ trợ nhiệt tình. “Khó khăn lớn nhất hiện nay của trường là số trẻ đông, thiếu giáo viên nên tôi rất mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện phân bổ thêm giáo viên về trường”, cô Nguyễn Thị Nguyệt bày tỏ.

Được thành lập nhằm giảm tải cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập, Cơ sở Mầm non tư thục Đồ Rê Mí, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh hiện có 2 cơ sở tại xã Yên Trung và xã Long Châu, huyện Yên Phong. Cô Vũ Thị Hiền, chủ cơ sở chia sẻ, cơ sở mầm non của chị đều ở địa bàn có khu công nghiệp phát triển, vì vậy các trẻ chủ yếu là con em công nhân ở các khu công nghiệp. Hiện cả 2 cơ sở đang tiếp nhận 130 trẻ, trong đó phần lớn trẻ là con em công nhân từ các tỉnh khác đến làm việc. Do đặc thù này, cơ sở của chị tạo điều kiện cho các phụ huynh làm việc như tổ chức cho trẻ ăn sáng tại trường, trông giữ trẻ ngoài giờ hành chính, trông trẻ vào thứ Bảy… Với việc linh hoạt về giờ giấc và nâng cao dịch vụ chăm sóc trẻ giúp người lao động yên tâm công tác.

Cô Thèn Thu Huế, giáo viên Cơ sở Mầm non tư thục Sao Khuê, xã Yên Trung, huyện Yên Phong Ninh cho biết: Với lứa tuổi mầm non, những khi giao mùa, các con thường rất nhạy cảm dễ bị ốm. Ở những địa bàn khác, các con ốm có thể ở nhà để ông bà chăm sóc, còn ở đây do các con theo bố mẹ đi làm xa quê nên mỗi khi ốm đau, đều nhờ các cô chăm sóc. Bởi vậy các cô giáo mầm non đều tự thấy trách nhiệm, yêu thương các con nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thị Vỹ, quê tại Thái Bình, là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Yên Phong tâm sự, nhà ở xa, không yên tâm để con ở quê nên chị đã mang con đến Bắc Ninh. Ban đầu, chị rất băn khoăn, lo lắng về chỗ học của con nhưng đến nay, gửi con tại cơ sở mầm non tư thục chị rất yên tâm về điều kiện chăm sóc cũng như giáo dục trẻ.

Việc phát triển loại hình giáo dục ngoài công lập đã góp phần giảm tải đáng kể cho các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt là cấp học mầm non, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tại tỉnh Bắc Ninh việc triển khai hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đã tạo điều kiện cho các cơ sở có điều kiện chăm lo tốt hơn đối với nhóm trẻ này.

Cô Nguyễn Thị Bình, quản lý Cơ sở Mầm non tư thục Sao Khuê, xã Yên Trung, huyện Yên Phong cho biết: Thời gian qua, cơ sở được hỗ trợ 300 triệu đồng để mua sắm đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho trẻ, giúp cơ sở đỡ khó khăn đồng thời chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và tỉnh Bắc Ninh nhằm tạo điều kiện phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, khu công nghiệp.

Giám sát, quản lý chặt chẽ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ

Theo Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Lương Thị Biển, tỉnh Bắc Ninh hiện có 177 trường mầm non, trong đó có 155 trường công lập, 22 trường tư thục; 186 cơ sở mầm non độc lập. Đáng chú ý, có 145/177 trường và 183/186 cơ sở mầm non độc lập tư thục ở địa bàn, thành phố có khu công nghiệp, số lượng trẻ là con em công nhân, người lao động, trong đó có lao động ngoại tỉnh làm việc tại khu công nghiệp lớn.

Nhằm tạo điều kiện chăm lo, giáo dục trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm, chỉ đạo các địa phương tăng cường đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất cho giáo dục như chỉ đạo các huyện, thành phố quy hoạch, mở rộng diện tích đất các trường công lập, trong đó có trường mầm non. Tỉnh cũng chỉ đạo mở rộng các điểm trường; tăng cường đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất để mở rộng quy mô các nhóm trẻ, thu hút trẻ đến các cơ sở giáo dục mầm non đạt tỷ lệ cao.

Tỉnh Bắc Ninh cũng thực hiện xã hội hóa giáo dục, khuyến khích mở rộng loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu gửi con của các phụ huynh khi dân số tự nhiên của tỉnh hàng năm đều tăng mạnh và số lượng công nhân các khu công nghiệp về sống và làm việc tại Bắc Ninh lớn. Cùng với đó, tỉnh ban hành chính sách đặc thù tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập như cho thuê đất, miễn tiền thuê đất đối với các cơ sở; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng; hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ học phí cho trẻ, học sinh tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong khu công nghiệp, giáp ranh khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chuyên biệt; triển khai Chương trình “Sữa học đường” cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025…

Bà Lương Thị Biển cho biết thêm, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp với một số sở, ngành tiến hành điều tra, nắm thông tin về số lượng lao động, số lượng trẻ từ 0-6 tuổi, về nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh đến các cơ sở giáo dục mầm non để chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm phù hợp.

Trước tình trạng thiếu giáo viên, ngành đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp, tham mưu và hướng dẫn các trường mầm non công lập tổ chức hợp đồng giáo viên để đảm bảo định mức 2 giáo viên/nhóm, lớp và nhân viên nấu ăn theo đúng quy định. Tuy nhiên hiện nay, một phần do thiếu nguồn và chế độ của giáo viên còn chưa cao, một số giáo viên đi làm việc ở nhiều lĩnh vực khác trong đó có các khu công nghiệp, vì vậy việc hợp đồng với giáo viên mầm non còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với phát triển mạng lưới trường, lớp tại các khu công nghiệp, việc kiểm tra, giám sát chất lượng giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non, nhất là các cơ sở mầm non độc lập trên địa bàn tỉnh cũng được ngành đặc biệt chú trọng. Qua đó, ngành sớm biện pháp xử lý đối với những cơ sở giáo dục mầm non không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định; đề xuất các giải pháp hỗ trợ để các cơ sở giáo dục mầm non hoàn thiện các điều kiện, đảm bảo an toàn và đáp ứng các yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.