Bác sĩ Hassan là giám đốc chuyên môn, chuyên viên tư vấn ngoại khoa của Bệnh viện Prince Mishari, đến Việt Nam vào tuần trước. Mười năm trước một người bạn của anh đã học nghề tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Lần này Hassan sang học kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp Dr Luong - kỹ thuật phẫu thuật qua đường nách và ngực do Phó giáo sư Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương phát minh. Kỹ thuật này vừa nhận chứng nhận kỷ lục Việt Nam về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được ứng dụng, chuyển giao, đào tạo trong và ngoài nước nhiều nhất.
Ngay buổi sáng đầu tiên có mặt ở bệnh viện, bác sĩ Hassan đã được mổ thị phạm cùng bác sĩ Lương. Ca mổ nội soi tuyến giáp chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút. "Đây là một kỹ thuật hoàn hảo, nhanh, an toàn, không để lại sẹo sau mổ nên có tính thẩm mỹ cao", bác sĩ Hassan nhận xét sau ca mổ.
Bác sĩ Hassan cho biết đây là lần đầu tiên anh đến Việt Nam và "bất ngờ về trình độ chuyên môn, cũng như trang thiết bị hiện đại của y tế Việt Nam". Ở Ả-rập Xê-út, phẫu thuật tuyến giáp thường sử dụng kỹ thuật mổ mở hoặc qua đường miệng, thời gian hậu phẫu lâu, bệnh nhân có thể bị vết sẹo dài trên cổ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Cũng đến Việt Nam học kỹ thuật nội soi Dr Luong, bác sĩ Satish Nair, Bệnh viện Apollo (Ấn Độ), là bác sĩ chuyên phẫu thuật cổ - tuyến giáp. Ông cho biết sau khóa học về nước đã áp dụng thành công phương pháp này với bệnh nhân Ấn Độ.
Bác sĩ Kee Yuan ở Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore, cũng thừa nhận kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của các bác sĩ Việt Nam có nhiều ưu điểm so với khu vực và cả trên thế giới. "Điều khiến tôi ấn tượng là ứng dụng phương pháp này bệnh nhân chỉ trả chi phí rất thấp", bác sĩ Yuan nói.
Phó giáo sư Trần Ngọc Lương lần đầu áp dụng phương pháp mổ nội soi tuyến giáp qua đường nách và ngực, năm 2003, từ đó tạo thành thương hiệu "kỹ thuật mổ Dr Luong". Năm năm sau, có 327 giáo sư, bác sĩ từ gần 20 nước trong khu vực và trên thế giới tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương để học tập kỹ thuật mổ này. Hiện kỹ thuật đã được chuyển giao đến các nước Australia, Bồ Đào Nha, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Pakistan, Australia, Ấn Độ...
Tính đột phá trong phương pháp mổ của bác sĩ Lương là sử dụng đường nách, ngực với những vết rạch kích thước 0,5-1 cm trên da, trong khi cách mổ mở (cũ) để lại vết sẹo dài 8-12 cm ở cổ người bệnh. Kỹ thuật này áp dụng cho tất cả bệnh lý tuyến giáp như bướu nhân, basedow, ung thư tuyến giáp, có thể mổ được những bướu lớn mà không cần phải cắt bất cứ cơ cổ trước nào.
Chi phí bệnh nhân trả cho ca mổ này chỉ bằng 1/25 so với các nước trong khu vực. Một ca cắt thùy tuyến giáp tại Hàn Quốc hoặc Singapore mất 2 giờ với chi phí khoảng 8.000-10.000 USD, tiến hành tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương chỉ mất 30 phút với 300-400 USD.
Chi phí để học kỹ thuật mổ Dr Luong cũng rất rẻ so với chi phí đào tạo ở nước ngoài. Các khóa học một tuần, 2 tuần, 3 tuần, tùy theo học viên lựa chọn. Bác sĩ Lương còn thường xuyên được mời giảng và mổ thị phạm ở nhiều nước trên thế giới.
Năm 2018, Bộ Y tế ghi nhận hơn 300.000 người nước ngoài đã khám chữa bệnh tại Việt Nam, tăng 50% so với 5 năm trước. Bộ Y tế đang xúc tiến dự án "dây rút ngược" nhằm hút Việt kiều về nước, người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh. Đề án này cũng giữ người Việt Nam có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài ở lại điều trị trong nước.