Theo TS. Hùng, những nguyên nhân cơ bản nhất của sự thành công đó là:
Thứ nhất: Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đã đánh giá đúng tầm nguy hiểm của bệnh dịch ngay từ khi nó manh nha xâm nhập vào nước ta. Với mục tiêu sức khỏe người dân là trên hết nên cả xã hội đã dốc toàn lực, đoàn kết, nhất quán một phương châm “chống dịch như chống giặc” để từ đó trong từng giai đoạn của đại dịch chúng ta đã có những bước đi sớm, nhanh, phù hợp, kiên quyết và hiệu quả.
Thứ hai: Với truyền thống lâu đời tốt đẹp người dân Việt Nam luôn đoàn kết, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi cộng đồng, mục đích của dân tộc. Người ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đẹp về sự hy sinh cá nhân để phục vụ cộng đồng ở bất cứ lứa tuổi nào, bất cứ ngành nghề nào. Đây cũng là điểm rất khác biệt và đáng tự hào của Việt Nam.
Thứ ba: Tổ chức y tế của Việt Nam cũng rất khác biệt, một mạng lưới y tế với sự liên kết chặt chẽ giữa khối y tế điều trị và dự phòng từ cấp trung ương tới địa phương dưới sự chỉ đạo chung của Bộ Y tế đã và sẽ có đủ khả năng giám sát dịch bệnh trong cộng đồng một cách chủ động. Với sự giúp sức của các tổ chức chính quyền và đoàn thể, tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đều được mau chóng xác định và kiểm soát.
Thứ tư: Sự chung tay của tất cả các tổ chức và đoàn thể, dân sự và quân sự thì mọi thông tin hữu ích về dịch bệnh cũng như những kiến thức, biện pháp phòng tránh bệnh đã được lan truyền và thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, sâu và rộng.
Thứ năm: Bên cạnh những lý do chủ quan, không thể không kể đến những lý do khách quan có thể góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh như khí hậu không thuận tiện cho virus phát triển; chương trình tiêm chủng nhiều loại bệnh truyền nhiễm đã được thực hiện nhiều năm qua, người dân Việt Nam sống trong vùng nhiệt đới hàng năm có nhiều đợt dịch đã tạo ra khả năng đề kháng với bệnh truyền nhiễm tốt hơn.
Gần hai tháng, chúng ta không có bệnh nhân nhiễm bệnh trong cộng đồng, mọi hoạt động thường nhật đang dần trở lại với mọi người dân. Các công ty, các nhà hàng… đang dần đông đúc trở lại, người người lại chen vai trên các nẻo đường. Vui mừng nhưng không chủ quan trước dịch bệnh… Bởi lẽ, tình hình đại dịch trên toàn cầu vẫn chưa có xu hướng dừng lại.
Các tâm dịch chỉ chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác với tộc độ đáng ngại. Con số người mắc bệnh và tử vong vẫn tăng đều đặn mỗi ngày. Trong khi đó chúng ta lại phải đang từng bước thực hiện việc mở cửa, nới lỏng cách ly xã hội. Sự bùng phát dịch bệnh lần thứ hai ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… nơi tưởng chừng như đã khống chế tốt dịch bệnh là bài học nhãn tiền cho chúng ta. Hơn lúc nào hết việc cảnh giác và đề phòng mắc bệnh của mỗi cá nhân trong xã hội trở nên quan trọng nhất trong chuỗi các biện pháp phòng chống dịch bệnh tái xuất hiện.
Súc họng với dung dịch sát trùng để phòng bệnh, tại sao không?
Trong các biện pháp được ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện để phòng tránh bệnh COVID-19 ở giai đoạn trước có 4 biện pháp thuộc về giữ gìn bảo vệ cá nhân (gồm: tránh tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang, súc họng và rửa tay thường xuyên). Hai biện pháp gồm tránh tụ tập nơi đông người, giữ khoảng cách an toàn 2 mét giữa mỗi người và rửa tay thường xuyên đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đồng thuận về hiệu quả phòng chống lây nhiễm bệnh ngay từ đầu đại dịch. Tuy nhiên trong giai đoạn nới lỏng giãn cách xã hội hiện nay, biện pháp giữ khoảng cách giữa người và người gần như không thể đảm bảo.
Hai biện pháp đeo khẩu trang và súc họng với dung dịch sát trùng không được nhiều chuyên gia nước ngoài cổ súy. Tuy nhiên cho tới nay kết quả các cuộc nghiên cứu nghiêm túc đã xác minh tính hiệu quả của nó. Biện pháp đeo khẩu trang được chứng minh có khả năng làm giảm ít nhất 30% khả năng lây bệnh từ người bệnh sang người lành.
Đặc biệt hơn, lần đầu tiên Trường Y khoa Duke-NUS đã nghiên cứu xác định tác dụng diệt virus SARS-CoV-2 mạnh mẽ của dung dịch povidone iodine (súc họng hay xịt họng) chỉ trong vòng 30 giây sau khi tiếp xúc. Hơn thế nữa khả năng diệt virus có thể duy trì trong 3 giờ sau đó. Nghiên cứu này giúp chúng ta có thêm một lựa chọn trong việc phòng ngừa bệnh dịch. Sau một thời gian dài áp dụng biện pháp súc họng khá phiền toái và có thể dẫn đến tác dụng phụ là làm vàng răng. Giờ đây người ta có thể yên tâm ra ngoài với chai xịt họng trong túi và áp dụng ngay sau khi tiếp xúc với người lạ để phòng tránh bị nhiễm virus. Các nghiên cứu khoa học này cũng là minh chứng hùng hồn cho sự sáng suất trong việc chọn lựa các biện pháp giúp người dân phòng chống bệnh dịch của Việt Nam.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, COVID-19 là thảm họa toàn cầu và là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên trong khó khăn chúng ta đã và đang chứng minh cho bè bạn năm châu về một Việt Nam mạnh mẽ và bất khuất. Mong rằng chúng ta sẽ cùng tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh để góp phần giúp Việt Nam ta giữ vững thành quả đáng tự hào trong công cuộc chống lại đại dịch này.
TS.BS Lê Quốc Hùng
Trưởng khoa bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy