Riêng năm 2020, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, đồng nghĩa với cứ 10 học sinh thành thị lại có 4 em bị thừa cân, béo phì.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi phát động Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về dinh dưỡng, phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam với chủ đề “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI – Đồng hành dinh dưỡng cùng con trong mùa dịch” do Bộ Y tế tổ chức tối 25/9.
Cụ thể, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em béo phì, thừa cân tăng nhanh đáng báo động trong hơn 10 năm qua, tăng gấp 2,2 lần từ 8,5% (năm 2010) lên thành 19% (năm 2020).
Tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt 50%, tại Hà Nội là 41%. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3%, miền núi là 6,9%. Điều này đồng nghĩa với, cứ 10 học sinh thành thị lại có 4 em bị thừa cân, béo phì.
Đặc biệt, điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh. Bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài khiến trẻ ăn uống tự do, đầy đủ hơn, có ít cơ hội tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vừa qua, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên cơ sở tham vấn ý kiến của nhiều đơn vị chuyên môn, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Chiến lược tổng thể nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu.
Trong đó, một trong số các mục tiêu quan trọng là khống chế thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, dự phòng các bệnh mạn tính không lây và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Cụ thể, đến năm 2030 đạt mục tiêu khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10% (khu vực thành phố ở mức dưới 11%, khu vực nông thôn ở mức dưới 7%); trẻ 5-18 tuổi ở mức dưới 19% (khu vực thành phố ở mức dưới 27%, khu vực nông thôn ở mức dưới 13%).
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh thừa cân, béo phì ở trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần cho trẻ ăn đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng.
Nếu trẻ đã thừa cân, béo phì cần cắt bớt chất béo, bột đường trong khẩu phần ăn của trẻ; hạn chế tối đa các thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên rán, đồ ngọt…; bổ sung đủ hoa quả, rau xanh; đồng thời tăng cường vận động cho trẻ ít nhất 1 giờ/ngày, hạn chế ngồi lâu một chỗ; cho trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sớm trước 22 giờ để tăng cường phát triển chiều cao… Phụ huynh cần theo dõi các chỉ số của con, đặc biệt là chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) để giúp con phát triển cân đối.
Thừa cân, béo phì ở trẻ gây ra những hệ lụy lâu dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe của trẻ sau khi trưởng thành. Bởi vậy, cần nâng cao nhận thức chống béo phì cho cả cộng đồng, gia đình, nhà trường để cùng chung tay giúp đỡ trẻ hình thành thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh và nếp sống tích cực, cải thiện chất lượng thể chất của những thế hệ tương lai.
Ở giai đoạn 1, Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về dinh dưỡng, phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam sẽ triển khai chuỗi hoạt động bao gồm: thăm trường mẫu giáo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; hoạt động tương tác nâng cao nhận thức trên mạng xã hội “Em bé khỏe - Gia đình vui”; các nghiên cứu khoa học và các diễn đàn trao đổi.