Nhức nhối khắp 3 miền
Một ngày đầu tháng 4, cả nước chấn động khi một học sinh lớp 9 của Trường Trung học cơ sở Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) lạnh lùng cầm dao đâm một học sinh lớp 8 cùng trường. Chứng kiến sự việc, nhiều học sinh hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn. Phát hiện sự việc, lãnh đạo nhà trường đã đưa em D. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng cấp cứu nhưng quá muộn. Vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng ở vùng quê ngoại thành ấy khiến cậu học sinh lớp 8 trường THCS Hồng Hà tử vong.
Trước đó, ngày 30/3, bé gái 13 tuổi N.T.N. ở Long An uống thuốc diệt cỏ để tự tử vì phải chịu áp lực quá lớn do bị bạn bè tẩy chay, cô lập trong suốt một thời gian dài. Nhà trường, gia đình đều không hề hay biết những uẩn ức mà cô bé phải gánh.
Ngày 29/3, em Đ.A.T., học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Phan Ngọc Hiển (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) bị một nhóm bạn đánh hội đồng và quay clip tung lên mạng.
Ngày 24/3, hai học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cũng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn với những vết cào cấu dài trên mặt bạn.
Ngày 22/3, em T.H.L. học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bị một nhóm bạn khống chế đưa vào nhà vệ sinh trong trường và ép uống chất lạ khiến em L. phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 12/3, hai nữ sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) đánh nhau ngay trong lớp học. Điều đáng buồn hơn là các học sinh khác không những không can ngăn mà còn reo hò cổ vũ và đứng quay clip. Cũng trong ngày hôm ấy, ở tỉnh Nam Định, cộng đồng mạng choáng váng với clip nữ sinh ở Trường Trung học phổ thông Xuân Trường nhốt bạn vào nhà vệ sinh và đánh hội đồng một cách tàn nhẫn.
Chỉ tính riêng ở tỉnh Đắk Lắk, thống kê chưa đầy đủ, trong nửa đầu tháng 3/2021 đã xảy ra 5 vụ học sinh đánh hội đồng bạn hoặc bị đánh.
Phó Giáo sư Nguyễn Thành Nam, Đại học Giáo dục Hà Nội cho rằng bạo lực học đường đã khiến phụ huynh không khỏi lo lắng khi con em mình vẫn ngày ngày đến trường. Với học sinh, bạo lực học đường không chỉ gây tổn thương về thể chất, tinh thần, mà còn để lại di chứng nặng nề đối với sự phát triển trong tương lai của học sinh bị bạo lực.
Chung tay giáo dục đạo đức học sinh
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian vừa qua tại Đắk Lắk, hầu hết các vụ việc đầu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong quá trình học tập tại trường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho hay, để ngăn chặn có hiệu quả nạn bạo lực học đường, ngành giáo dục đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Cụ thể, các nhà trường tăng cường công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống trong học sinh; đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn cho học sinh; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh.
Trước nạn bạo lực học đường diễn biến phức tạp, theo một lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là vấn đề của nhiều quốc gia, không chỉ của riêng Việt Nam do các em học sinh đang trong độ tuổi dễ mất kiểm soát về cảm xúc. Ngành giáo dục đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường cho các em. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Công an để đưa ra các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường cho từng cấp học, phối hợp với các cơ quan truyền thông để thực hiện các biện pháp tuyên truyền.
Tuy nhiên, thực trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng đã khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn về tính hiệu quả của các giải pháp đã triển khai.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thành Nam, để giáo dục đạo đức học sinh, nhà trường đóng vai trò quan trọng nhưng bên cạnh đó cũng cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của gia đình và xã hội.
Đây cũng là kiến nghị của đại biểu Quách Thế Tản, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình gửi tới Chính phủ trong nhiệm kỳ mới. “Chính phủ cần quan tâm hơn nữa việc giáo dục toàn diện, nhất là về đạo đức của học sinh trong và ngoài nhà trường. Ở đây cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa ba môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội để góp phần tích cực vào việc đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện,” đại biểu Quách Thế Tản nói.