Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng 10/6, tại Hà Nội, Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng), Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) phối hợp với Tiểu ban Quốc phòng – An ninh – Đối ngoại (Hội đồng Lý luận Trung ương) tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy".
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy

Phát biểu khai mạc, Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Tiểu ban Quốc phòng – An ninh – Đối ngoại nhấn mạnh: Việc thấm nhuần và triển khai có hiệu quả quan điểm bảo vệ Tổ quốc đã được Đại hội XII của Đảng xác định: "bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định". Tư tưởng đó đã được Đại hội XIII của Đảng phát triển thành: "xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định", "bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy".

Trong điều kiện tình hình mới, đây vừa là đòi hỏi khách quan, đồng thời là vấn đề mang tính then chốt, trực tiếp liên quan đến vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là quan điểm mang tính chiến lược Đảng xác định trên cơ sở kế thừa bài học kinh nghiệm của ông cha ta, mà còn là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phù hợp với tình hình thực tiễn thế giới, khu vực và trong nước hiện nay.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Từ khi ra đời đến nay, Quân đội ta đã vận dụng sáng tạo kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, luôn phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả của cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hội thảo là dịp để các đại biểu, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tinh thần chủ động phòng ngừa, về kế sách bảo vệ Tổ quốc của dân tộc; cung cấp những luận cứ khoa học để Đảng ta tổng kết Nghị quyết số 28-NQ/TW khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Báo cáo đề dẫn, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung luận giải, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, sự cần thiết phải làm sáng tỏ và hiện thực hóa quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới; chú trọng phân tích, đánh giá bối cảnh thời cuộc, âm mưu của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay; tình hình đất nước, nhất là các thành tựu, hạn chế và các yếu tố tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp căn cốt để thực hiện thắng lợi kế sách giữ nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, các tham luận cần đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng, phát huy các nguồn lực, tiềm lực của đất nước để thực hiện thắng lợi kế sách bảo vệ Tổ quốc...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, công tác tư tưởng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng và thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ. Do đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng của các hình thái, bộ phận cấu thành của công tác tư tưởng, gồm: công tác lý luận, công tác tuyên truyền, công tác cổ động, trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống các công cụ, phương tiện, cùng hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị, học viện, trường chính trị; khoa Mác - Lênin của các trường đại học, cao đẳng; hệ thống báo chí, trung tâm nghiên cứu, dự báo và định hướng dư luận xã hội… để truyền bá sâu rộng đường lối chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, kế sách chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Từ đó, hình thành trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận thức sâu sắc, niềm tin vững chắc, trách nhiệm chính trị cao, hành động chủ động, tích cực, tự giác nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên này.

Là lực lượng chủ công trong nền ngoại giao Việt Nam, ngoại giao nhà nước trong những năm qua đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Từ góc độ này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao (Học viện Ngoại giao) cho rằng, điểm đặc sắc trong nền ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, và một trong những lực lượng quan trọng của ngoại giao nhà nước là đối ngoại quốc phòng.

Theo đó, trong những năm qua, lực lượng đối ngoại quốc phòng đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn với nhiều lĩnh vực, cơ chế hợp tác thực chất, hiệu quả như: Đào tạo, trao đổi đoàn quân sự, hợp tác quân binh chủng, công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đối thoại chính sách quốc phòng, các hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới, biên cương thắm tình hữu nghị, tham gia Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games, Hội thao Quân sự ASEAN... Qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ bao trùm, thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước.

Tại Hội thảo, các tham luận cũng tập trung làm rõ trách nhiệm và tham mưu các giải pháp xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng, phát huy tiềm lực chính trị - tinh thần của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất giải pháp nhằm phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của các tổ chức chính trị - xã hội… và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, từ đó, huy động lực lượng toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.