Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ được chọn một trong hai phương thức.
Phương thức 1: Đăng ký trực tiếp tất cả các thông tin trên phiếu đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học; cao đẳng năm 2021; thí sinh không được điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi điểm tiếp nhận đã cập nhật thông tin của thí sinh vào cơ sở dữ liệu trong thời gian quy định.
Phương thức 2: Đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện), thí sinh đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển phần thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT; phần đăng kí nguyện vọng xét tuyển trực tuyến phải hoàn thành trong thời gian quy định và thí sinh có thể điều chỉnh nhiều lần thông tin đăng kí nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định.
Bộ GD&ĐT cho biết, mỗi cơ sở đào tạo được gán 1 mã số và cấp một tài khoản (tên truy cập và mật khẩu) để sử dụng trong công tác tuyển sinh. Thực hiện lịch tuyển sinh quy định tại Phụ lục 1 của bản Hướng dẫn, nếu có sự thay đổi Bộ GD&ĐT sẽ thông báo lại tại cổng thông tin tuyển sinh của Bộ (địa chỉ http://thituyensinh.vn) và gửi trực tiếp tới địa chỉ e-mail của lãnh đạo, cán bộ làm công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo đã đăng kí với Bộ GD&ĐT;
Các trường tổ chức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của cơ sở đào tạo theo quy định tại mục III của Hướng dẫn này; Đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin tuyển sinh theo quy định, trong đó lưu ý:
Tránh việc để thí sinh nhầm lẫn giữa quy định xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 7 của Quy chế với phương án tuyển sinh riêng của cơ sở đào tạo; giữa tên các cơ sở đào tạo; tuyển sinh đối tượng trong và ngoài tỉnh; tuyển sinh vào phân hiệu của cơ sở đào tạo với cơ sở đào tạo; chương trình đào tạo chuẩn và các chương trình đào tạo khác của cơ sở đào tạo;
Công bố công khai minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng, chính sách ưu tiên của cơ sở đào tạo gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh có học lực tốt, tâm huyết với ngành nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.