Bên dòng Xuyên Tâm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Rạch Xuyên Tâm theo con nước ròng những bãi sình đen nhớp nháp lộ ra cùng đủ loại rác sinh hoạt, nào thức ăn thừa, nào là túi nhựa…. Mùi bùn, mùi chất thải quyện cùng nhau loan vào bầu không khí giữa tiết trời hơn 32 độ C, gió lặng cùng loang lỗ những mây đen, những đám mây như chực chờ mưa xuống.

Nước trong, cá bơi bầy bầy

Ông Hồ Ngọc Quý (SN 1953) tay trái tựa vào tường, tay phải cầm vạt áo, lững thững bước ra trên đôi chân bị mất một bàn là hậu quả tàn khốc của những ngày khói lửa bao trùm mảnh đất này để lại.

Mái tóc hãy còn đen, đôi mắt vẫn sáng tỏ, ông hướng ánh nhìn về phía sau nhà nơi có vài bộ quần áo trẻ em và chăn mền đang phơi dưới nắng, giọng run run: “Chủ trương của Nhà nước thì mình ủng hộ, chỉ mong được đền bù thoả đáng...”. Ý ông là chủ trương cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm mà TP.HCM vừa phê duyệt sau hơn 20 năm... lên kế hoạch.

Bên dòng Xuyên Tâm ảnh 1

Ông Quý thẩn thờ nhìn ra rạch Xuyên Tâm

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn trong một gia đình không mấy khá giả, tuổi trưởng thành cũng là lúc đất nước đang trong những ngày nhiều biến cố, ông phải bươn chải với đủ thứ nghề, lúc là phụ quán, khi thì nấu ăn, nay đây mai đó mưu sinh.

Những năm 80 của thế kỷ trước, ông cùng ba mẹ đưa nhau về sinh sống và làm rẫy ở Định Quán, Đồng Nai. Được vài năm thì sức khoẻ hai cụ giảm sút, vết thương ở bàn chân khiến ông không thể nào đảm đương nổi công việc nhà nông nên cả gia đình bán rẫy rồi trở lại nơi chôn nhau cắt rốn.

Một thời gian sau thì hai cụ qua đời, người thân tản mát nhiều nơi, ông lại lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ bên dòng Xuyên Tâm thuộc P.1, Q.Bình Thạnh từ đó đến nay. Để trang trải cuộc sống, ông ngăn nơi ở thành nhiều phòng rồi cho các gia đình lao động nghèo thuê để vừa có tiếng người vừa có tiền tự lo cho bản thân buổi chiều cô quạnh.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông Quý đã bao lần chứng kiến những đổi thay của vùng đất thân yêu, có những xưa cũ trở nên mới mẻ, có những lạc hậu hoá văn minh... nhưng cũng có những trong xanh bồi lắng thành dơ bẩn ngay chính dòng rạch này.

Ông kể, những năm 80, rạch Xuyên Tâm còn trong xanh lắm, hai bờ là những hàng cây nhỏ xanh mướt, dưới nước cá lội bầy bầy. Nhiều năm sau, những căn nhà tạm lụp xụp chen nhau mọc lên ở hai bên rạch, người dân khắp nơi tìm đến định cư ngày một đông, phố phường dần ồn ào nhộn nhịp.

Kể từ đó, ông nhìn thấy dòng nước không còn xanh nữa mà thay bằng một màu đục rồi đen, bao nhiêu chất thải sinh hoạt của cư dân hai bờ đổ xuống, những loài cá đi đâu mất cả, chỉ còn lại rô phi, cá trê được người ta phóng sanh tồn tại. “Khi nước ròng thì hôi lắm, còn nước lên thì đỡ”, ông Quý nói rồi chỉ tay về phía ngập ngụa thùng xốp, chai nhựa, mền gối và quần áo cũ đang lềnh bềnh trôi.

Bên dòng Xuyên Tâm ảnh 2

“Khi nước ròng thì hôi lắm, còn nước lên thì đỡ”, ông Quý nói

Mong có nơi ở đàng hoàng

Giữa trưa, bóng râm dưới những tán cây bàng, cây lộc vừng làm dịu lại cái oi ả trước những cơn mưa ở Sài Gòn. Dân lao động nghèo đang tụ lại kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu không cuối, có người bắt đầu dọn bàn, bày ra mớ má heo nóng hổi và mấy lon bia.

Ông Nguyễn Trương Hùng trong căn nhà nhỏ vội vàng bước ra khi hay tin có người tìm hiểu việc di dời để thực hiện cải tạo con rạch cạnh nhà. Ông năm nay 60 tuổi, là dân Phú Nhuận rồi phiêu dạt về khu vực P.5, Q.Gò Vấp định cư từ những năm 1990. Vợ ông mất sớm để lại hai cha con nương tựa vào nhau ngần ấy năm trời.

Gom góp tiền bạc, ông mua lại căn nhà nhỏ làm nơi tá túc, gọi là nhà nhưng chỉ như một phòng trọ cho lao động nghèo, rộng chừng 17m2, cải tạo thêm một phần gác để ngủ. Mấy chục năm trước, ông xin làm giấy tờ nhà nhưng không được nên chỉ có tờ mua bán ký tay lận lưng. Trong nhà chẳng có đồ đạc gì mấy, tivi, tủ lạnh cùng chiếc xe máy là tài sản lớn nhất của ông.

Khi còn trẻ, ông Hùng mở tiệm nhôm kính ngay trước cửa để kiếm sống nhưng không thành công nên đi học lái xe rồi làm thuê cho một doanh nghiệp du lịch. Mấy tháng nay, tình hình khó khăn, ông thì lớn tuổi, bị cho nghỉ việc nên nhẵn túi. Ông hỏi thăm và được một gia đình gần đó thuê đưa đón con đi học bằng xe máy, mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Người con trai có gia đình ra riêng, lâu lâu phụ thêm một ít giúp ông trang trải cuộc sống.

Bên dòng Xuyên Tâm ảnh 3

Căn nhà nhỏ của ông Hùng thuộc diện giải toả trắng.

Ông Hùng kể, thời gian trước chính quyền địa phương xuống họp dân lấy ý kiến và đo đạc thống kê để chuẩn bị cải tạo con rạch. Nhà ông và nhiều người bên cạnh nằm trong diện giải toả trắng. Kể đến đây, các khối cơ trên gương mặt ông như chùng xuống hằn lên những vệt thời gian: “Nhà nước làm thì mình chấp thuận nhưng mình già rồi, mong được đền bù thoả đáng để có nơi ăn chốn ở đàng hoàng”.

Ông Hùng trở vào nhà, ngồi lên võng, mở tivi…. Nước thải sinh hoạt theo con rãnh nhỏ chảy đều xuống dòng Xuyên Tâm, dưới rạch đang ròng lộ ra những bãi sình đen ngòm, thoang thoảng mùi bùn trong gió.

Còn đời con đời cháu

Rạch Xuyên Tâm là tên gọi chung để chỉ hệ thống các rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng dài gần 9km, có điểm đầu tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và kết thúc ở sông Vàm Thuật. Toàn tuyến có vài nhánh nhỏ, luồng lách qua nhiều khu dân cư, khu lao động nghèo, là một trong những tuyến rạch ô nhiễm nặng nhất thành phố suốt hơn 20 năm qua.

Đoạn qua khu vực cầu Long Vân Tự đến cầu Sơn thuộc Q.Bình Thạnh đông dân, trong hẻm lớn có hẻm nhỏ, trong hẻm nhỏ có hẻm nhỏ hơn, nhà cửa san sát nhau, sinh hoạt quay quần trong không gian chật chội. Dòng chảy nhỏ hẹp, thường xuyên ứ đọng, rác thải sinh hoạt dạt về một góc, bám vào những căn nhà “chống nạng” ven bờ.

Bên dòng Xuyên Tâm ảnh 4

Đoạn qua cầu Long Vân Tự nhỏ hẹp, thường xuyên ứ đọng.

Giữa trưa oi bức, cô Nguyễn Ngọc Lệ (SN 1956) và chồng đang nghe nhạc trong nhà bỗng nghe tiếng chó sủa ngoài cổng nên vội bước ra, lẫn trong nước da có phần xạm đi là nụ cười đầy phúc hậu. Cô kể bản thân vốn là cán bộ quân y về hưu vài năm trước sau hơn 38 năm công tác, chồng là thương binh, gia đình chính sách.

Ba mẹ cô là người Bến Tre tham gia cách mạng từ những ngày đầu. Sau khi đất nước thống nhất, gia đình cô lên TP.HCM định cư ở khu vực đường Đinh Bộ Lĩnh. Sau khi thành gia lập thất và sinh được con gái đầu lòng, khoảng năm 2000, gia đình nhỏ của cô chuyển về gần khu vực cầu Long Vân Tự ở P.24, Q.Bình Thạnh.

Những năm tháng ở đây, cô cũng như những người tối lửa tắt đèn có nhau bao lần quặn thắt khi chứng kiến dòng nước sạch sẽ trong xanh ngày càng chuyển thành đen đúa. Cô chỉ tay về phía hàng rào lưới B40 kể rằng nơi đó trước đây là chỗ người ta câu cá, cá nhiều, đủ loại còn bây giờ thì chẳng có ai vác cần ra nữa.

“Lúc cô mới về, ngày nào cũng nghe mấy chiếc ghe cá chạy qua kêu tạch tạch, cứ 10 giờ là nghe tiếng. Nhưng khoảng 15 năm trở lại đây hoàn toàn không thấy ghe nào nữa...”, cô lại cười. Gia đình nhỏ của cô ngày ấy đến nay đã là sáu người thuộc ba thế hệ, cùng nhau sinh sống trong căn nhà sát rạch rộng gần 60m2.

Bên dòng Xuyên Tâm ảnh 5

Căn nhà của cô Lệ nằm sát mép rạch Xuyên Tâm.

“Cô ủng hộ cải tạo vì môi trường chung, con rạch này ô nhiễm nhiều năm rồi. Chính quyền mới xuống đo đạc, cung cấp bản vẽ để lấy ý kiến người dân. Nhà nước đưa ra thì phải làm thôi, mình chấp nhận nhưng sự chấp nhận đó phải phù hợp, phải có chỗ ăn chỗ ở cho người dân đỡ lo lắng. Cô chắc không sống được lâu nữa, nhưng còn đời con đời cháu…”, cô Lệ mong mỏi.

Sau khi về hưu, cô phát hiện suy thận nên nước da ngày một xạm đi, dẫu thế gương mặt cô lúc nào cũng tươi vui, nụ cười luôn thường trực: “Quan trọng vẫn là tinh thần, con à”. Có tiếng một người phụ nữ vọng lại từ ngoài cổng, là em gái của cô nhắc giờ đi chạy thận, chiếc taxi từ từ lăn bánh rời khỏi con hẻm dọc rạch Xuyên Tâm.

Hơn 9.600 tỷ đồng “thay áo mới”

Công trình cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm vừa được TP.HCM phê duyệt là dự án trọng điểm với mục tiêu cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị. Dự án chia làm hai đoạn, gồm tuyến chính dài gần 6,7km, từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và ba nhánh dài hơn 2,2km là: nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi.

Thành phố sẽ thu hồi khoảng 159.000m2 đất, với 1.880 trường hợp bị ảnh hưởng, chủ yếu ở Q.Bình Thạnh với khoảng 1.796 hộ dân, tổ chức và Q.Gò Vấp có 84 trường hợp. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2028, trong đó đoạn qua Q.Gò Vấp dự kiến sẽ khởi công vào tháng 8/2024 và Q.Bình Thạnh là tháng 4/2025.

Bên dòng Xuyên Tâm ảnh 6

Dự án có tổng kinh phí hơn 9.660 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố.

Tổng kinh phí hơn 9.660 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố. Trong đó, phần bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm 6.400 tỷ đồng, phần xây lắp hơn 2.700 tỷ đồng, còn lại dành cho thiết bị, tư vấn, dự phòng...

Theo kế hoạch, rạch Xuyên Tâm được nạo vét với độ sâu 3,5m, rộng 20-30m cùng hệ thống thu gom nước thải, nước mưa dọc hai bên tuyến. Một số đoạn cống hộp kết hợp rạch hở, nước thải được thu gom kết nối vào hệ thống thoát nước chung của thành phố đưa về nhà máy xử lý nước thải.

Hai bên bờ sau khi cải tạo được xây dựng đường, mỗi bên hai làn xe rộng 6m, vỉa hè 3-4m. Các hạng mục kết nối các cầu như: Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Bùi Đình Tuý, Chu Văn An, Rạch Lăng cũng được đầu tư đồng bộ.... Khi hoàn thành, dự án tạo ra quỹ đất với tổng diện tích hơn 15ha kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng.

Để đảm bảo đủ điều kiện được khởi công, công tác giải phóng mặt bằng phải đạt trên 70% mặt bằng sạch. Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM, thành phố đã giao Q.Gò Vấp và Q.Bình Thạnh tính toán phương án bồi thường, ban hành đơn giá. Về phương án tái định cư, Q.Gò Vấp chuẩn bị nguồn tương đối ổn vì số lượng ít, riêng Q.Bình Thạnh còn thiếu khoảng 807 căn hộ tái định cư và đang tính toán.

“Đến bây giờ mới cải tạo thì tôi nghĩ là muộn, nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng cho các hộ dân ở khu vực rạch, vì cuộc sống của họ quá khổ rồi và cũng vì môi trường sống chung. Thành phố không làm thì thôi, đã làm thì làm cho hoàn chỉnh, làm cho dứt điểm, hoàn tất chứ đừng làm chỗ này, chỗ kia rồi dừng, dang dở như bao nhiêu dự án trước đây.

Đây là dự án thế kỷ, đời này đời sau, chứ không phải chỉ bây giờ nên thành phố cần có quy hoạch dài hơi vì cái chung và phải đảm bảo được cuộc sống của những người dân phải di dời. Dù gì, tôi cũng cảm ơn Chính quyền thành phố đã quyết định làm dự án này”, ông Minh – người dân ở Q.Bình Thạnh kỳ vọng.

Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.