Bệnh nhân Trần Văn Quang (51 tuổi) đang nằm tại Trung tâm chống độc cho biết, khi anh đang thiu thiu ngủ lúc truyền thì thấy nóng bừng, choàng tỉnh giấc là nôn thốc nôn tháo. Nhìn quanh thấy các giường bên cạnh người nặng người nhẹ đều có triệu chứng, các bác sĩ đều lao vào cấp cứu cho người bệnh. Anh hoảng hồn nghĩ ngay đến sốc dù có thâm niên chạy thận 9 năm, nhưng chưa khi nào anh gặp các triệu chứng này.
"Thỉnh thoảng khi lọc máu cũng có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, huyết áp tăng nhưng bác sĩ xử lý là hết. Lần này thì nôn thốc nôn tháo. La liệt bệnh nhân nôn", anh Quang kể lại.
Cùng nằm tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân Lê Thùy Linh 23 tuổi vẫn sợ hãi, không thể chia sẻ điều gì.
Đã tỉnh táo sau một đêm được chuyển xuống BV Bạch Mai, cô Bùi Thị Vân (53 tuổi, 3 năm chạy thận) kể lại cảm giác thấy "La liệt người nôn. Mình cũng nôn thốc nôn tháo. Cứ nghĩ là chắc chết rồi". Cô Vân cho biết đã chạy thận 3 năm nay chưa bao giờ bị tình huống này.
"Cả tôi và tất cả mọi người trong phòng cứ nôn la liệt thốc tháo không thể kiểm soát được. Sau nôn là đi ngoài, rồi người cứ run cầm cập", cô Vân chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến (đứng thứ 2 từ trái sang) hỏi thăm bệnh nhân Quang vừa từ bệnh viện Đa khoa Hòa Bình chuyển về Bạch Mai (Hà Nội) |
100 bệnh nhân được sắp xếp chạy thận ổn tại Hà Nội
Cũng trong sáng nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vào thăm hỏi 10 bệnh nhân được chuyển đến Bạch Mai điều trị.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá sự cố khiến 18 người nghi sốc khi đang chạy thận là sự việc rất hi hữu, không ai lường trước được. Ngay khi xảy ra sự việc, không chỉ ngành y tế rất nhanh, mà ngay trong đêm Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lên tận nơi để chỉ đạo sự việc. Bộ Y tế, Sở Y tế Hoà Bình đã có triển khai ứng cứu nhanh, phối hợp với bệnh viện có chuyên khoa là BV Bạch Mai để hỗ trợ cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Theo Thứ trưởng Tiến, trước mắt cần triển khai mọi việc để ổn định sớm nhất tại Khoa Thận nhân tạo BV Đa khoa Hoà Bình. “Trong thời gian chờ đợi, bệnh nhân cần được giải quyết đảm bảo sức khoẻ. Vì thế Bộ Y tế đã phân công cho các bệnh viện tuyến Trung ương, BV ở Hà Nội tiếp nhận 100 bệnh nhân chạy thận nhân tạo từ Hoà Bình chuyển lên. Như tại BV Thận Hà Nội đảm nhiệm 30 bệnh nhân; 70 bệnh nhân còn lại chia đều cho các cơ sở y tế khác cả Trung ương, địa bàn Hà Nội mỗi cơ sở gánh vác một chút”, GS Tiến cho biết.
Đánh giá về nguyên nhân gây ra sự việc, GS Tiến cho biết còn phải chờ thời gian nhưng xảy ra đồng loạt 18 bệnh nhân liên quan đến cả hệ thống. Đến thời điểm này, sự cố khiến 7 bệnh nhân tử vong. Tại BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình còn 1 bệnh nhân rất nặng, các bác sĩ đang cố giành giật sự sống cho bệnh nhân. Tại BV Hoà Bình vẫn có êkip ứng cứu kinh nghiệm nhất, phối hợp, mong bệnh nhân qua khỏi.
10 bệnh nhân được chuyển đêm qua rạng sáng nay đến BV Bạch Mai tình trạng sức khoẻ ổn định, chỉ 1 bệnh nhân các chỉ số chưa ổn định đang được lọc máu liên tục nhưng chỉ trong thời gian ngắn là có thể tốt lên.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, các chuyên gia, êkip tốt nhất của Bạch Mai đã được chi viện lên BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Các bệnh nhân được chuyển đến viện đảm bảo điều kiện tốt nhất.
Dự kiến sau sáng nay, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, GS Trần Gia Bình sẽ lên thẳng Hoà Bình, kế hoạch cố gắng đón nốt một bệnh nhân nặng để tiện hơn cho việc chăm sóc.
Khoảng 10h sáng nay Bộ trưởng Bộ Y tế cũng vào viện thăm hỏi, chỉ đạo Bệnh viện tạo mọi điều kiện tốt nhất chữa trị cho các bệnh nhân.
Theo Dân trí