Theo BS.CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mục đích thành lập Đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư là truy tìm ung thư trước khi các triệu chứng xuất hiện, tầm soát các loại ung thư dễ điều trị và có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh lý ung thư.
Đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư triển khai tầm soát các loại ung thư thường gặp bằng các xét nghiệm cơ bản đến chuyên sâu, ứng dụng hình ảnh học như CT đa lát cắt, cộng hưởng từ (MRI). Ngoài ra, đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư còn sử dụng công nghệ gen để tầm soát các loại ung thư di truyền.
Các xét nghiệm tầm soát ung thư không phải là xét nghiệm chẩn đoán. Nếu tầm soát cho ra kết quả bất thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện thêm nhiều xét nghiệm để kết luận chẩn đoán. Nếu có những bất thường, một quy trình khám và xét nghiệm chẩn đoán sẽ được kích hoạt nhằm chẩn đoán sớm nguyên nhân gây kết quả bất thường cho bệnh nhân, BS.CKII Trần Văn Khanh cho biết thêm.
Một điểm nổi bật trong chương trình tầm soát chủ động là tầm soát cho những loại ung thư có tính chất di truyền. Những xét nghiệm tầm soát ung thư di truyền có khả năng phát hiện ra những cá thể trong gia đình có mang gen bệnh, từ đó họ sẽ được theo dõi chủ động hơn nhằm phát hiện sớm ung thư nếu có xảy ra. Những ai trong gia đình có nhiều thành viên bị ung thư là đối tượng trong các chương trình tầm soát ung thư chủ động bằng phương pháp xét nghiệm di truyền.
Các xét nghiệm tầm soát ung thư thường cần thiết cho những trường hợp có các yếu tố nguy cơ ung thư cao như: Tiền sử bản thân đã mắc ung thư; Tiền sử gia đình có người bệnh ung thư; Một vài loại đột biến gen gây ung thư di truyền; Tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư như hút thuốc lá, hoặc các hóa chất ở môi trường làm việc; Bệnh lý tạo huyết khối chưa rõ nguyên nhân; Người có tuổi...