Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: “Câu" bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ… dưới mác “liên kết chuyên môn"?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Mang danh "liên kết chuyên môn", 7 năm qua, bênh viện Ung Bướu TPHCM đã chuyển hàng ngàn bệnh nhân bị u bướu sang mổ tại bệnh viện Hồng Đức. Điều đáng nói là mỗi người bệnh phải chi trả thêm hàng chục triệu đồng khi tới bệnh viện Hồng Đức để mổ.
Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: “Câu" bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ… dưới mác “liên kết chuyên môn"?

Liên kết "móc túi" bệnh nhân

"Hồi năm ngoái, anh trai tôi phát hiện bị u tuyến giáp, bệnh viện tỉnh họ bảo về TP.HCM kiểm tra cho chắc ăn. Nhưng sau đó, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên bác sĩ hẹn sau khi bớt dịch thì về TP tái khám. Ngày 4/3, anh tôi tới bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tái khám. Sau khi khám xong, bác sĩ bệnh viện này chỉ định anh trai tôi mổ cắt u tuyến giáp.

Ngày 8/3 anh trai tôi vào bệnh viện Ung Bướu chờ mổ theo lịch hen. Thế nhưng, không hiểu sao đến sáng 9/3, bác sĩ bệnh viện Ung Bướu TP.HCM lại thông báo cho gia đình là bệnh viện đang quá tải, bệnh nhân quá đông nên không thu xếp được lịch mổ. Bệnh viện Ung Bướu chuyển anh tôi sang mổ tại bệnh viện Hồng Đức. Anh tôi chỉ cần mang giấy qua bên đó sẽ được làm thủ tục nhập viện và lên lịch mổ sớm. Người phẫu thuật là bác sĩ của bệnh viện Ung Bướu TPHCM cử sang nên gia đình cứ yên tâm.

Có bệnh thì vái tứ phương, nhất là bệnh u bướu. Thôi thì người ta nói vậy, mình đành chấp nhận, mong sao hết bệnh và an toàn là được. Họ nói bác sĩ bệnh viện Ung Bướu TP.HCM sang mổ nhưng gia đình cũng không biết bác sĩ đó là ai, tay nghề thế nào. Mình không còn lựa chọn”, anh Nguyễn Văn Quang chia sẻ.

Điều đáng lưu ý là, khi sang tới bệnh viện Hồng Đức thì gia đình anh Quang mới té ngửa khi biết chi phí phẫu thuật u tuyến giáp ở đây có giá là 28,5 triệu đồng. Cao gấp gần 3 lần chi phí phẫu thuật tại bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Nếu bệnh nhân không có tiền khi chuyển viện thì sao? Không lẽ mang bệnh về nhà nằm nghỉ?.

Cũng kỹ thuật đó, cũng bác sĩ bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, chỉ khác nơi điều trị, cách nhau chưa đến 10 km, nhưng chi phí thì ... "nhảy vọt" từ 11 triệu đồng (giá tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM) lên 28,5 triệu đồng tại bệnh viện Hồng Đức, chênh lệch tới 17,5 triệu đồng. Điểm khác duy nhất là bệnh viện Hồng Đức có phòng riêng, ca phẫu thuật cắt u tuyến giáp do bác sĩ bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thực hiện cho người nhà anh Quang vào ngay chiều hôm 9/3. Chỉ sau vài giờ chuyển từ bệnh viện ung bướu TP.HCM qua.

Sở Y Tế TPHCM "bật đèn xanh"?

Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: “Câu" bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ… dưới mác “liên kết chuyên môn"? ảnh 1

Bệnh viện Hồng Đức "tạm ứng" của bệnh nhân gần 29 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều năm qua hàng ngàn bệnh nhân ung bướu đã được "câu" từ bệnh viện Ung Bướu TP.HCM sang bệnh viện Hồng Đức để phẫu thuật dưới danh nghĩa "chuyển viện theo hình thức liên kết chuyên môn". Dù rằng với lý do nghe rất mỹ miều, là nhằm giảm tải, "chia lửa" với tình trạng quá tải lâu nay ở bệnh viên Ung Bướu TP.HCM và nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhânNhưng với số tiền chênh lệch mỗi ca phẫu thuật lên tới hàng chục triệu đồng và cao hơn chi phí phẫu thuật tuyến giáp tại các bệnh viện hàng đầu có phẫu thuật cắt bướu tuyến giáp tại TP.HCM. Cụ thể như bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhân Dân 115, bệnh viện Bình Dân, bệnh viện TP Thủ Đức... Theo tìm hiểu của chúng tôi thì chi phí phẫu thuật u tuyến giáp theo giá dịch vụ tại các bệnh viện này, với các ca thông thường chỉ tầm 10 triệu đến 21 triệu đồng. Tùy theo từng trường hợp mổ hở, mổ nội soi hay tùy theo bệnh lý lành hay ác và có trường hợp dùng dao mổ loại đặc biệt... Chưa kể nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì chi phí còn thấp hơn.

Theo báo cáo sơ bộ của mô hình này, khoa Ung bướu bệnh viện tư nhân Hồng Đức nhờ đó mà có nguồn bệnh đều, ổn định tăng công suất nội trú từ 30% giường lên 80% (tăng 50%) số giường bệnh nhờ nguồn từ bệnh viện ung bướu TP.HCM. Tỷ lệ thuận với lượng bệnh nhân chuyển sang là chi phí chênh lệch mà người bệnh bị "móc túi", số tiền ước tính đến nay lên tới hàng chục tỷ đồng.

Để làm rõ việc "liên kết chuyên môn" với giá "cắt cổ", chúng tôi đã liên hệ với Lãnh đạo bệnh viện Ung Bướu TP.HCM để làm rõ những vấn đề liên quan.

Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho rằng, bệnh viện Ung Bướu nhận được tin nhắn của phóng viên Tiến Đạt (Thực tế, khi nhận được thông tin, PV Tạp chí Ngày Nay đã liên hệ qua điện thoại để lấy lịch hẹn làm việc và bác sĩ Phạm Xuân Dũng – Giám đốc BV Ung Bướu có trao đổi lại với phóng viên là gặp bác sĩ Diệp Bảo Tuấn để nắm thông tin. Sau đó, bác sĩ Tuấn có gọi điện và đề nghị phóng viên gửi nội dung qua Zalo để chuẩn bị lúc 12h45 ngày 09/3). Bệnh viện Ung Bướu trả lời các vấn đề phóng viên nêu như sau:

Năm 2014, xuất phát từ tình hình quá tải của bệnh viện Ung Bướu, số lượng bệnh nhân chờ mổ lâu ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, đơn vị này đã xin chủ trương về việc liên kết chuyên môn với bệnh viện Hồng Đức nhằm chuyển bệnh nhân sang bệnh viện Hồng Đức phẫu thuật, các bác sĩ phẫu thuật của BV Ung Bướu phụ trách công tác phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ngày 14/01/2015, UBND TP.HCM đã có Công văn 140/UBND-VX chấp thuận cho phép hợp tác chuyên môn giữa bệnh viện Ung Bướu và bệnh viện Hồng Đức nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện Ung Bướu theo quy định pháp luật.

Trong đề án và thực tế công tác bệnh viện Ung Bướu đã tuân thủ các quy trình: Quy trình chuyển viện, quy trình tham gia phẫu thuật, quy trình khám sau mổ, quy trình xử lý khi xảy ra tai biến/biến chứng, cũng như quy định rất rõ về trách nhiệm của mỗi bên tham gia đề án (tất cả đều thể hiện trong đề án).

Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: “Câu" bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ… dưới mác “liên kết chuyên môn"? ảnh 2

Giấy ra viện của bệnh viện Ung Bướu để chuyển bệnh nhân qua bệnh Hồng Đức.

Trước việc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM "vin" vào sự cho phép của UBND TP, cũng như Sở Y tế TP.HCM để chuyển bệnh nhân sang bệnh viện Hồng Đức phẫu thuật với giá chênh lệch hàng chục triệu đồng so với chi phí mổ tại bệnh viện Ung Bướu hay các bệnh viện khác mà trả lời rất "chung chung", không đưa ra được những cơ sở hay nội dung mà đề án đưa ra.

Phóng viên đề nghị ông Diệp Bảo Tuấn sắp xếp lịch hẹn để làm rõ những nội dung như: Vì sao bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật khối u tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM (tức là bệnh nhân cần phải phẫu thuật cắt u theo bác sĩ tiên lượng) nhưng đến ngày phẫu thuật họ lại phải chuyển qua bệnh viện Hồng Đức để mổ một cách khẩn trương không có tư vấn hướng dẫn. Vậy quy trình chuyển viện, tư vấn sắp xếp cho bệnh nhân thế nào? Từ thời gian thông báo, tư vấn cho bệnh nhân cho tới các tiêu chí, cơ sở nào để chuyển bệnh nhân từ bệnh viện công sang bệnh viện tư? Việc chuyển viện có thông qua hội đồng chuyên môn để công tâm và phù hợp với nguyện vọng cũng như khả năng tài chính của người bệnh hay không? Nếu không may bệnh nhân chuyển sang bệnh viện Hồng Đức mà xảy ra biến chứng thì ai chịu trách nhiệm?.

Từ năm 2015 đến nay, bao nhiêu bệnh nhân đã chuyển sang phẫu thuật tại bệnh viện Hồng Đức thì việc "ăn chia" giữa hai bệnh viện cũng như bác sĩ ra sao? Bệnh viện Ung Bướu cắt cử bác sĩ biên chế sang phẫu thuật tại bệnh viện Hồng Đức theo cơ chế nào?. Vì sao không chọn bệnh viện công để liên kết nhằm giảm tải cho bệnh viện Ung Bướu cũng như qua đó chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị khác và sẽ làm giảm chi phí tối đa cho người bệnh, mà lại chọn bệnh viện tư để liên kết?.

Dư luận cho rằng việc phê duyệt đề án nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân khi bệnh viện Ung Bướu quá tải trầm trọng trong những năm qua là giải pháp tình thế chấp nhận được nhưng nội dung đề án ra sao, chi phí thế nào cho phù hợp?. Quy định pháp luật nào cho phép bác sĩ bệnh viện công “câu” bệnh nhân từ bệnh viện công sang bệnh viện tư và phải thanh toán chênh lệch tới 17,5 triệu đồng, chủ trương của UBND TP.HCM và Sở Y Tế TP.HCM có cho phép mức giá này không?

Giải pháp “giảm tải” này nghe qua tưởng như có lý, nhưng lại khó thuyết phục người bệnh. Bởi cũng một kỹ thuật, cũng bác sĩ của bệnh viện Ung Bướu nhưng số tiền người bệnh phải chi trả không hề nhỏ. Liệu có hay không chuyện “lại quả” hay “sân sau” của ai đó?

Tuy nhiên, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn từ chối trả lời với lý do bận họp và đề nghị phóng viên gửi công văn.

Tạp chí Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.