Do tính chất khó khăn của ca phẫu thuật ghép này, các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tính đến 3 phương án thực hiện. Một là mời chuyên gia nước ngoài tham gia kíp mổ, tuy nhiên ca ghép chủ yếu vẫn do các bác sĩ Việt Nam đảm trách. Phương án hai là có thể không mời chuyên gia nước ngoài, các bác sĩ Việt Nam tự tiến hành ca mổ. Phương án ba là bệnh viện mời một êkíp chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ ca mổ ghép.
Theo giáo sư Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia, ca ghép phổi sẽ gặp nhiều khó khăn. Thuyết phục người bệnh ghép phổi không phải dễ, trong khi đó phổi là bộ phận ghép tạng dễ gặp nhiễm trùng nhất, hồi sức sau ghép cũng vô cùng thách thức.
"Dù vậy, bệnh viện đã chuẩn bị kỹ càng cho ca ghép từ nguồn ghép, người nhận, phẫu thuật viên, các trang thiết bị, máy móc hiện đại, bàn mổ… Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, công tác chăm sóc sau ghép cũng đã lên kế hoạch", giáo sư Sơn cho biết.
Hồi tháng 2, Việt Nam lần đầu thực hiện thành công ca ghép phổi cho một bệnh nhi từ người cho còn sống. Ca mổ do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện.
Cũng theo giáo sư Sơn, đội ngũ chuyên gia ghép tạng quốc gia đã sẵn sàng cho những lĩnh vực ghép mới như ghép tứ chi, ghép mặt, ghép ruột và ghép tử cung. Với ghép tứ chi, về mặt kỹ thuật các chuyên gia không quan ngại vì thực tế việc ghép chi tự thân cho những người không may bị đứt cũng đã được thực hiện rất nhiều và rất thành công.
Trên thế giới, một số nước đã tiến hành ca ghép tử cung, có ca thành công song cũng có những ca thất bại. Có những bà mẹ đã sinh con thành công từ tử cung được ghép. Thụy Điển thực hiện thành công 9 ca ghép tử cung, trong khi tại Mỹ chỉ một.
Đến ngày 31/5, số ca ghép tạng tại Việt Nam đã hơn 2.400 ca. Trong đó, Việt Nam thực hiện thành công hơn 2.300 ca ghép thận, 77 ca ghép gan, 18 ca ghép tim, một ca ghép thận - tụy, một ca ghép phổi từ người cho sống.