Mỗi năm dự hai giải quốc tế “giá rẻ” đã hết tiền
Giới chuyên môn và NHM chắc hẳn sẽ sốc khi biết rằng bộ môn quần vợt của Tổng cục TDTT chỉ được cấp vỏn vẹn 50.000 USD, tương đương khoảng 1 tỷ đồng cho việc xuất ngoại tập huấn thi đấu năm 2019. Đó là một sự thật rất phũ phàng và quen thuộc, bởi trong cả chục năm trở lại đây, khoản này bao giờ cũng chỉ xoay quanh mức 40.000- 50.000 USD. Nguyên nhân bởi nguồn kinh phí chung của ngành thể thao cũng rất eo hẹp, phải cáng đáng 40 môn, trong khi quần vợt chỉ được xếp vào nhóm ưu tiên cuối cùng do khả năng tranh chấp thành tích kém. SEA Games 29 vừa rồi, môn này chỉ giành được đúng một tấm HCĐ của Lý Hoàng Nam.
Chính bài toán kinh phí gắn với thành tích đã khiến môn quần vợt rơi vào vòng luẩn quẩn đầy bế tắc. 50.000 USD thực sự chỉ đủ cử ĐTQG dự tranh 2 giải đấu quanh châu Á và ĐNÁ với số lượng tuyển thủ tinh gọn nhất có thể. Và nếu cuộc đấu diễn ra ở châu Âu hay Mỹ, tình hình còn gay go hơn. Đơn cử, chỉ vòng loại Davis Cup của đội nam ở ngay khu vực ĐNÁ đã tốn hơn 20.000 USD.
Càng bi hài hơn bởi số tiền bộ môn quần vợt được cấp đã thấp một cách thảm hại song năm nào cũng phải trích ra tới 4.500 USD (chiếm gần 1/10 của con số 50.000 USD) đóng thay tiền lệ phí quốc tế cho Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Có nghĩa là, khoản chi vào tập huấn, thi đấu quốc tế thực tế chỉ là 45.500 USD.
Điều nghịch lý, mọi khoản lệ phí thu của các hội viên, hay từ các giải đấu quốc nội, Liên đoàn đều toàn quyền sử dụng. Thế nhưng, đến khoản tiền lệ phí, phần trách nhiệm trực tiếp, thiết thân nhất của mình với các tổ chức quần vợt thế giới và châu Á, Liên đoàn lại phó mặc cho cơ quan quản lý nhà nước đóng thay.
Thực ra, không phải Liên đoàn Quần vợt Việt Nam nghèo đến nỗi không thể tự đóng mà đơn giản nó giống như một nếp quen của lối mòn bao cấp và thụ động. Ngay từ đầu, ngành thể thao đã “bao” khoản này, giờ chẳng dại gì Liên đoàn phải thay đổi, nhất là khi nhiều tổ chức xã hội – nghề nghiệp khác cũng vậy.
Lệ phí quốc tế của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam lại thuộc diện cao nhất trong các môn. Và khoản chi gần như “mặc định” hàng năm này đã ảnh hưởng tới kế hoạch chung của cả bộ môn. Như thừa nhận của các nhà quản lý trực tiếp, họ thấy rất xót xa vì phải trích 4.500 USD cho một việc rất vô lý, bất công, trong khi nguồn của cả môn chỉ có 50.000 USD. Họ không biết xoay sở như thế nào, và cũng không thể làm gì, ngoài việc cố gắng tập trung cho ĐTQG ở mức duy trì.
Vô địch Á vận hội trẻ vẫn chưa được đầu tư
Kể từ khi Nam khởi nghiệp, trở thành một hiện tượng với chức VĐQG ở tuổi 16 rồi thậm chí đã mang về cho TTVN tấm HCV Á vận hội trẻ 2013, vấn đề đầu tư trọng điểm hay thậm chí hỗ trợ đầu tư cho tài năng trẻ này chưa bao giờ được ngành thể thao đặt ra. Chưa kể, thay vì phải hợp tác thật tốt với đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương, chính bộ môn và đặc biệt Liên đoàn Quần vợt Việt Nam lại phần nào đó làm khó cho hành trình của Nam. Rõ nhất từ kế hoạch, mục tiêu tập huấn thi đấu của ĐTQG áp đặt và cũ kỹ, cùng cách xử lý cứng nhắc, bị động.
VĐV Quần vợt Lý Hoàng Nam |
Thực tế, suốt bao nhiêu năm không hề có hỗ trợ, Nam vẫn được B.Bình Dương chăm lo thành tài, với khoản kinh phí giờ tối thiểu cũng 1 tỷ đồng mỗi năm. Thế nên từng xảy ra chuyện cười ra nước mắt khi đơn vị chủ quản của Nam đã từ chối không nhận khoản hỗ trợ 10.000 USD theo kiểu ứng phó sau khi tay vợt này đoạt chức vô địch đôi nam Wimbledon Trẻ. Số tiền này thực sự cũng không giải quyết được gì nhiều và đến ở thời điểm không thích hợp.
Vốn đã quá khan hiếm tài năng nhưng kể cả có những tài năng phát lộ, các nhà quản lý của cả ngành lẫn trực tiếp môn vẫn cứ hờ hững như không. Trong số này, ngoại trừ Việt Hà được quan tâm bằng một học bổng do IOC cấp, còn lại đều đã và đang bị “thả rông” đúng nghĩa, phó mặc cho gia đình hay đơn vị chủ quản.
Từ những Minh Quân, Thùy Dung khi trước hay Hoàng Thiên, Hoàng Nam. Việc gia đình tự bỏ tiền tỷ để thuê thầy ngoại, cho con xuất ngoại tập huấn, thi đấu thành tài được coi như chuyện… bình thường đến mức đương nhiên.
Gần đây, tình thế chung của quần vợt Việt Nam, trong đó có chuyện kiếm tiền và đầu tư đã “đỡ” hơn nhiều nhờ nỗ lực của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam gắn với sức lan tỏa cùng hiệu ứng mang tên Lý Hoàng Nam. Tuy nhiên, tất cả chưa giải quyết được gì cơ bản, và quần vợt Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tụt hậu kéo dài.
Ước tính khoản chi phí Becamex Bình Dương đầu tư cho nhà Quán quân đôi nam Wimbledon trẻ Lý Hoàng Nam mỗi năm tối thiểu 2 tỷ đồng. Nhờ nguồn kinh phí dồi dào từ đơn vị chủ quản, Nam mới có thể tham dự 20-25 giải đấu trẻ quốc tế chất lượng cao trên khắp thế giới, dưới sự dẫn dắt của một chuyên gia ngoại. Từ trường hợp của Nam mới thấy rõ thảm trạng kinh phí của bộ môn quần vợt. Giả dụ cả môn phải chấp nhận hy sinh để ưu tiên, thì khoản 50.000 USD cũng chỉ đủ phân nửa cho nhu cầu của một mình Hoàng Nam.