Bi hài quanh chuyện tuyển chọn nhân sự bóng chuyền

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Trước SEA Games 31 đúng 5 tháng, ĐTQG bóng chuyền nữ mới chọn xong danh sách các tuyển thủ, và cũng mới chốt được HLV trưởng.
Bi hài quanh chuyện tuyển chọn nhân sự bóng chuyền

Từ HLV đến ĐTQG đều tập trung “năm một”

Như một nghịch lý, ĐTQG bóng chuyền nữ, vẫn được ví như đội tuyển số hai của thể thao Việt Nam, lại chính là một điển hình cho cách tuyển chọn và tập huấn mang nặng tính thời vụ, lạc hậu. Suốt cả năm 2021, đội không có một đợt tập huấn nào, với lý do được đẩy hết cả cho những ảnh hưởng của COVID-19. Cho đến khi kết thúc giải VĐQG vào 25/12/2021, kế hoạch tập trung ĐTQG chuẩn bị SEA Games 31 mới chỉ nằm trên giấy, còn danh sách các tuyển thủ và đặc biệt vị trí HLV trưởng vẫn không có.

Để rồi những người có trách nhiệm của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã phải gấp rút tuyển chọn, thông qua ý kiến Hội đồng Huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, các đội bóng để chọn ra được 20 tuyển thủ. Đáng nói hơn, ngay cả khi “quân” đã có rồi, Liên đoàn mới thuyết phục được HLV Thái Thanh Tùng cùng CLB chủ quản Ninh Bình Doveco đồng ý trở lại dẫn dắt đội tuyển chuẩn bị dự tranh SEA Games 31 và Asian Games 2021. Chính bởi vậy, thay vì tập trung ngay từ đầu tháng 1 như dự kiến, đội đã phải dời lịch “hội quân” đến trung tuần tháng 2/2022.

Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đang trực tiếp đóng vai chính yếu, quyết định trong việc tuyển chọn.

Bi hài quanh chuyện tuyển chọn nhân sự bóng chuyền ảnh 1

Ảnh minh họa.

Các HLV có quá ít quyền hạn, dấu ấn trong việc tuyển quân, lên kế hoạch tập huấn thi đấu, chỉ tiêu thành tích của đội. Thầy trò của đội gần như chỉ lên tuyển để thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ cụ thể được giao trong năm 2022.

Theo chuyên gia Lương Khương Thượng, cựu HLV trưởng ĐTQG và CLB VTV Bình Điền Long An, các tiêu chí chuyên môn để tuyển chọn cầu thủ cho các ĐTQG vẫn đang được đảm bảo, dựa vào đẳng cấp, phong độ, gắn với từng vị trí và chiến lược, chiến thuật chung của cả đội. Vấn đề cốt yếu khiến ĐTQG luôn gặp khó, luôn bị động trong xây dựng lực lượng, phát triển bài bản, nằm ở chính câu chuyện đội tuyển và nhất là HLV trưởng “năm một”. Ngoại trừ một vài lần có chuyên gia ngoại, HLV trưởng ĐTQG đều là các thầy nội được triệu tập lên từ các CLB. Họ chỉ tập trung cho ĐTQG theo các đợt tập huấn, những đích nhắm cụ thể trong một năm, song song với vai chính ở CLB.

Như chia sẻ của cựu HLV trưởng đội nam Thể Công Phùng Công Hưng, người có nhiều năm làm HLV trưởng ĐTQG thì bản chất ông vẫn là HLV của CLB, và gánh vác thêm trọng trách ở ĐTQG mỗi khi được triệu tập. Ông chỉ có thể thực hiện quyền hạn và trách nhiệm khi có quyết định, với những lần tuyển chọn, triển khai tập huấn thi đấu ngắn hạn.

“Tôi đảm trách HLV trưởng ĐTQG mười mấy năm, song thực chất là từng năm một, nên để làm gì dài hạn, tạo dựng lối chơi hay bản sắc cho đội thực sự quá khó”, ông Hưng cho biết.

Hai thập kỷ một nền nếp cũ kỹ

Chuyện ĐTQG nữ không có cuộc “hội quân” nào trong cả năm 2021, rồi đến trước SEA Games 31 chỉ 5 tháng mới có HLV trưởng, rõ ràng bộc lộ những hạn chế lớn trong việc xây dựng các ĐTQG của bóng chuyền Việt Nam. Đó không phải là một trường hợp cá biệt gắn với tác động tiêu cực của COVID-19 mà kết đọng cho cả cách làm theo nếp cũ kỹ được duy trì suốt hai thập kỷ ở cả hai đội nam- nữ, cho dù điều kiện, nguồn lực và yêu cầu đặt ra cho môn thể thao được quan tâm bậc nhất này đã hoàn toàn khác.

Bi hài quanh chuyện tuyển chọn nhân sự bóng chuyền ảnh 2

Theo giới chuyên môn, danh sách cả hai ĐTQG nam nữ được tập trung đều “ổn” xét trên mọi mặt. Thế nhưng, một đội tuyển tập hợp đầy đủ “binh hùng tướng mạnh” cũng sẽ khó phát huy được nếu chỉ được đào tạo huấn luyện “thời vụ năm một”. Không thể muộn hơn, bóng chuyền Việt Nam cần phải đột phá, với những việc cần làm ngay.

Thứ nhất, việc xây dựng ĐTQG cần phải vượt qua nếp “năm một thời vụ” để hướng tới mục tiêu và cách làm dài hạn, có thể là 5 năm, thậm chí xa hơn, như thừa nhận của Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn.

Đội nữ đang nhắm tới đích lọt vào Top 5 châu lục, còn đội nam đứng trong Top 10. Đây là một thử thách lớn, đòi hỏi quyết tâm cao cùng nhiều giải pháp mới. Trong đó, có một việc cần làm ngay là có HLV trưởng “chuyên” cho ĐTQG, được giao quyền và trách nhiệm đầy đủ. Ngoài năng lực, tầm nhìn, họ phải làm việc chuyên trách để thực hiện toàn diện quy trình tuyển chọn, đào tạo tuyển thủ, đề xuất kế hoạch tập huấn thi đấu, xây dựng lối chơi.

Thứ hai, cần phải củng cố Hội đồng Huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, hiện đang hoạt động chưa hiệu quả và mờ nhạt. Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Hội đồng mới chỉ có đóng góp mỗi khi tuyển chọn nhân sự trước các đợt tập huấn ĐTQG, thay vì phải thể hiện vai trò quan trong trong chương trình đào tạo cầu thủ, quy trình và tiêu chí tuyển chọn HLV, VĐV ĐTQG, hỗ trợ các vấn đề chuyên môn cho HLV và ĐTQG...

Tại SEA Games 31 mới đây, cả hai ĐTQG đều cơ bản hoàn thành mục tiêu đặt ra khi đội nữ bảo vệ thành công tấm HCB còn đội nam đoạt HCĐ sau một kỳ Đại hội thảm bại. Tuy nhiên, thành công ấy không có dấu ấn gì của sự đổi mới trong cách nghĩ cách làm, và đáng lo ngại hơn sau SEA Games, bóng chuyền Việt Nam lại rơi vào nếp cũ, nhất là khi Asian Games dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, bị hoãn. Cả hai đội lập tức bị giải tán và chẳng biết đến bao giờ mới tập trung trở lại.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.