Bệnh nhân là bé Phạm Tùng D. (18 tháng tuổi, Vân Đồn, Quảng Ninh). Theo lời kể của gia đình, trong khi ăn quả hồng ở nhà, bé D. xuất hiện ho, dẫn đến bị hóc hạt hồng.
Ngay khi thấy biểu hiện bất thường, gia đình đã đưa bé tới TTYT huyện Vân Đồn sơ cứu tuy nhiên các biểu hiện bệnh vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn sau đó chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng ho sặc sụa, khó thở, tím tái, suy hô hấp.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy phổi phải tăng thể tích, quá sáng trường phổi phải, dị vật cản quang phế quản gốc phải, mờ đậm phổi phải, dị vật gây tắc phế quản gốc phải.
Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán bé bị dị vật đường thở, tắc phế quản gốc phải và chỉ định nội soi khí phế quản lấy dị vật; phương pháp gây mê tĩnh mạch cho bé.
Bác sĩ tiến hành nội soi cấp cứu, gắp ra hạt hồng nằm ở góc phải phế quản cho bé |
Kíp nội soi diễn ra trong khoảng gần 30 phút. Các bác sĩ tiến hành nội soi cấp cứu, gắp ra hạt hồng nằm ở phế quản gốc phải cho bé.
Sau khi lấy được dị vật, chức năng hô hấp của bé được phục hồi tốt, bé được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu để theo dõi chặt chẽ.
Bác sĩ Phạm Đăng Hùng, người tiến hành nội soi gắp dị vật cho bé chia sẻ, trường hợp bé Phạm Tùng D.(18 tháng tuổi) chỉ là một trong rất nhiều trường hợp hóc dị vật đường thở được tiếp nhận tại bệnh viện thời gian gần đây.
Dị vật đường thở là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Để tránh tình trạng cấp cứu đáng tiếc này, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc giám sát trẻ ngay cả khi ăn uống và lúc vui chơi. Nếu trẻ bị dị vật đường hô hấp, sau khi cấp cứu tức thì, hãy nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện tuyến trên trong thời gian sớm nhất có thể, để công tác xử lý cấp cứu được kịp thời và ít tai biến, biến chứng.