Nhiều người Mông Cổ lý giải điều này là nhờ các yếu tố như: không khí sạch cùng chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm thịt và sữa tự nhiên.
Họ cũng tin rằng nhờ các thế hệ cha ông liên tục lao động, cưỡi ngựa, chăn cừu, thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (từ -60 tới 45 độ C), đã giúp thế hệ sau này trở nên khỏe mạnh hơn và có sức đề kháng cao trước các loại bệnh tật.
Và yếu tố mà nhiều người Mông Cổ đồng thuận nhất, lại chính là di sản của Thành Cát Tư Hãn để lại cho con cháu sau này.
Tượng chân dung của Thành Cát Tư Hãn tại Mông Cổ. Ảnh: Shutterstock |
Một nhà sử học, một pháp sư, một nhà sư và một bác sĩ y khoa đều nhắc tới vị vua vĩ đại nhất của dân tộc mình khi lý giải cho sự thành công của Mông Cổ trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.
Pháp sư Enkh-Ouyn Byambadorj thường tiếp khách trong một căn phòng lớn, được trang trí bằng lông ngựa, bùa hộ mệnh và cả một đền thờ cho Thành Cát Tư Hãn.
Cô nói rằng người Mông Cổ sinh sống và ăn uống rất đơn giản, với không khí trong lành cùng các loại thực phẩm tươi ngon, điều đáng nói là người Mông Cổ không đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống hiện đại như nhiều người dân tại các quốc gia khác.
“Một yếu tố khác là sự tự lực của người dân chúng tôi, xuất phát từ lối sống du mục và quá trình chinh phục thế giới của Đế quốc Mông Cổ”, cô nói.
Nữ pháp sư Enkh-Ouyn Byambadorj nói rằng bí quyết chống dịch của người Mông Cổ nẳm ở lối sống du mục. Ảnh: SCMP |
Khi Thành Cát Tư Hãn dẫn đầu các đội quân khổng lồ của mình cùng hàng trăm ngàn con ngựa băng qua các thảo nguyên và sa mạc, chinh phục hầu hết thế giới, họ không trông cậy vào một thế lực ngoại bang nào khác sẽ giúp đỡ mình.
“Khi người phương Tây gặp vấn đề, họ sẽ giải quyết nó. Còn người Mông Cổ đơn giản chỉ tìm cách ‘sống chung với lũ’. Nếu họ có thịt, họ ăn thịt. Nếu họ không có gì, họ sẽ không ăn”, Byambadorj nói.
“Ở các vùng nông thôn không hề có bác sĩ, các sản phụ luôn sinh đẻ thuận theo tự nhiên. Người Mông Cổ không quan tâm tới các vấn đề. Vấn đề sinh tử cũng không khiến chúng tôi phải bận tâm”, nữ pháp sư nói.
Còn đối với nhà sư Ukhaanzaya Dorjnamnan, mọi vấn đề trên thế giới đều mang hình dáng của naga – loài rắn cổ đại trong truyền thuyết Á Đông.
Theo nhà tu hành, đại dịch COVID-19 là một naga rất mạnh, nhưng nó không muốn làm tổn thương người Mông Cổ, vì họ sống gần gũi với thiên nhiên hơn.
Ông cũng tin rằng vùng đất này đã được Thành Cát Tư Hãn ban phước. “Đại hãn đã chọn vùng đất này cho con cháu bởi đây là một vùng đất tốt và ngài cũng đã hứa nơi này sẽ bảo hộ cho chúng tôi”, nhà sư nói.
“Thành Cát Tư Hãn đã phát triển các hệ thống liên lạc hiệu quả cho phép truyền tải thông tin từ hai đầu thế giới. Ngày nay chúng tôi cũng làm điều tương tự. Thông điệp của chính phủ từ thủ đô Ulan Bator vẫn có thể nhanh chóng được chuyển đến những cộng đồng du mục ở các tỉnh xa xôi”, ông Jigjidsuren cho biết.Tiến sĩ Chinburen Jigjidsuren, một cố vấn y tế đặc biệt của thủ tướng Mông Cổ, nói rằng chính quyền trung ương luôn nỗ lực trong việc cung cấp thông tin cho người dân, giúp ngăn chặn tình trạng hoang mang trong dư luận.
Vị chuyên gia y tế tin rằng tất cả các biện pháp như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang đã cho thấy hiệu quả nhờ việc người dân luôn tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn.
“Đội quân của Thành Cát Tư Hãn rất kỷ luật. Và lối sống này vẫn được truyền lại cho tới tận ngày nay”, ông nói. “Vì vậy, khi chính phủ kêu gọi việc đeo khẩu trang hoặc ở nhà, mọi người đều nghe theo”.
Jack Weatherford, tác giả của cuốn sách “Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại”, đã viết rằng làn sóng di cư của người Mông Cổ khiến họ tiếp xúc với hàng triệu người từ các khu vực khác nhau, cũng như đối mặt với vô số bệnh tật.
Tuy nhiên, tiến sĩ Chinburen không cho rằng đây là nguyên nhân khiến người dân Mông Cổ có hệ miễn dịch tốt hơn. “Không có dữ liệu khoa học nào xác minh điều này, mặc dù đây là một giả thuyết đáng tham khảo”, ông nói.
Tàu điện ngầm ở Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Một thông tin có thể bổ sung cho giả thuyết này đó là việc một du khách người Pháp đã được phát hiện mắc COVID-19 tại Mông Cổ, gần 200 người tiếp xúc với bệnh nhân đều cho kết quả âm tính. “Có thể là do người dân đều đeo khẩu trang”, tiến sĩ Chinburen lý giải.
Còn tại khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, nơi từng được xem là điểm nóng của dịch COVID-19, không hề có người Mông Cổ nào được xác định mắc bệnh.
“Dân số ở khu tự trị Nội Mông lớn gấp 1,5 lần so với Mông Cổ, thế nhưng tất cả bệnh nhân đều là người Hán”, bác sĩ Chinburen chỉ ra.