Tượng Moai Ahu Tahai cao 4,5 mét được tạc từ đá núi lửa đã góp phần tạo nên sự trang nghiêm của Rapa Nui (Đảo Phục Sinh, Chile).
Tahai là một trong hàng nghìn bức tượng hình người được dựng lên ở Đảo Phục Sinh trong khoảng thời gian từ năm 1100 đến năm 1700 tượng trưng cho tổ tiên của người Rapa Nui.
Những bức tượng đá khổng lồ này đã trải qua chiến tranh giữa các bộ tộc từ Polynesia, chứng kiến sự cướp bóc của thực dân và vẫn vững chãi sau sự đối xử tàn nhẫn của người Anh. Theo ghi chép, thực dân Anh được cho là sử dụng tượng Moai như bia tập bắn khi thuê hòn đảo này vào thế kỷ 20.
Tuy nhiên, kẻ thù mới nhất và có tác động mạnh mẽ nhất đến các bức tượng chính là khủng hoảng khí hậu. Khuôn mặt của tượng Ahu Tahai đã dần mất đi những nét nguyên sinh, bao gồm những chạm khắc ở mũi và hốc mắt. Bàn tay từng được cắt rõ nét giờ đây đã bị mài mòn và hòa vào làm một với cơ thể.
Daniela Meza Marchant, một nhà bảo tồn của cộng đồng bản địa Ma'u Henua đồng thời là người trông coi các địa điểm khảo cổ thiêng liêng trên đảo, cho biết: “Các bức tượng đặc biệt này đang dần nhẵn nhụi do sự xói mòn của các lớp đá”.
Trong ba thập kỷ qua, Đảo Phục Sinh đã ghi nhận lượng mưa giảm đáng kể. Thời tiết khắc nghiệt khiến cho những trận mưa như trút nước xảy ra rải rác hơn. “Có những khoảng thời gian có nhiều mưa, nhưng sau đó lại là những đợt hạn hán kéo dài.”, cô Marchant nói.
Những cơn mưa xối xả này có tác động rất lớn đến các moai vốn được chạm khắc từ đá núi lửa mềm - “một loại vật liệu dễ bị hư hại, bị gió xói mòn và bị ion hóa bởi mưa”.
Meza Marchant phục hồi những bức tượng moai bị hư hại nặng nề bằng cách làm sạch các vi sinh vật xâm lấn như địa y và rêu, đồng thời áp dụng phương pháp xử lý chuyên dụng để tăng độ cứng cho đá, sau đó dùng chất chống thấm nước để bảo vệ đá khỏi bị hư hại do mưa.
Đó không chỉ là một quá trình tốn kém mà còn phức tạp hơn do mối quan hệ căng thẳng giữa người dân Rapa Nui và chính phủ Chile.
Theo cô Marchant, việc vận chuyển các sản phẩm chuyên dụng từ Ý đến hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương này rất tốn kém do thuế nhập khẩu của Chile “thậm chí còn đắt hơn chính sản phẩm đó”.
Lần cuối cùng Meza Marchant tiến hành công việc bảo tồn moai là vào năm 2017, cô đã phục hồi bức tượng moai duy nhất có bốn tay Ahu Huri a Urenga. Công việc này kéo dài ba tháng và có sự giúp sức từ các chuyên gia Ý, cơ quan lâm nghiệp quốc gia Chile và cộng đồng bản địa.
Nhiệm vụ bảo tồn khác từng được thực hiện là khôi phục 15 bức tượng moai ở phía đông của hòn đảo từ năm 2003 đến năm 2006. Điều này nhằm khắc phục những nỗ lực phục hồi không thành công vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Những nhà bảo tồn khi đó đã đặt sai vị trí một số tượng và sử dụng các kỹ thuật phi truyền thống trong quá trình phục hồi.
Dự án năm 2003 do UNESCO và Nhật Bản tài trợ, bao gồm khôi phục 15 bức tượng và bệ đỡ, dựng các bức tượng lên và sử dụng chất chống thấm nước cho chúng.
Các dự án bảo tồn phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng nghiêm ngặt và được cộng đồng địa phương Ma'u Henua giám sát. Cộng đồng này có trách nhiệm lựa chọn những địa điểm cần được bảo tồn khẩn cấp nhất đồng thời xin cấp phép từ Hội đồng Di tích quốc gia Chile (thuộc Bộ văn hóa, Nghệ thuật và Di sản Chile).
Bà Meza Marchant cho biết: “Hội đồng yêu cầu nhiều thông số kỹ thuật phức tạp, vì vậy, cho đến nay chúng tôi mới chỉ phục hồi được một số ít tượng moai.”
Dự án tiếp theo của nhà bảo tồn này là sửa chữa số lượng lớn tượng moai bị hư hại do vụ cháy rừng năm 2022.
Ngọn lửa đã thiêu rụi 100 ha diện tích công viên quốc gia và hàng chục bức tượng. Hạn hán nghiêm trọng chưa từng có đã khiến ngọn lửa lan rộng nhanh chóng và trở thành một trong những vụ cháy rừng thảm khốc nhất trên đảo. Đây cũng là hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ngân sách của Chile dành cho bảo tồn di sản thế giới là 690 triệu peso (khoảng 19 tỷ đồng), tăng gấp bốn lần kể từ năm ngoái. Nó sẽ được phân chia cho 15 dự án trên khắp lãnh thổ Chile, với một phần để khôi phục 5 bức tượng moai bị hư hại do hỏa hoạn. Tuy nhiên, không có kế hoạch bảo tồn những tượng đang bị xói mòn nhanh chóng như Ahu Tahai.
Bà Pilar Vicuña, Giám đốc văn hóa của UNESCO ở Santiago, khen ngợi chính phủ Chile vì đã tăng ngân sách để khôi phục moai, nhưng bà cũng đồng tình với những lo ngại của nhà bảo tồn Meza Marchan.
Bà Vicuña nói: “Sự hợp tác chỉ diễn ra trong một số dự án nhất định. Chúng ta cần một chiến lược bảo tồn toàn diện hơn.” Bà cũng cho biết thêm dự luật di sản văn hóa được đề xuất có thể giúp đẩy nhanh các chương trình bảo tồn.
“Hội đồng di tích quốc gia đang trong tình thế nguy cấp. Tất cả các yêu cầu cấp phép và dự án đều diễn ra rất chậm”, bà Vicuña nói.
Dự luật được thiết kế để giảm bớt áp lực cho hội đồng di tích quốc gia và tập trung vào “sự tham gia tích cực của cộng đồng và người dân bản địa”.
Tuy nhiên, một số người bày tỏ sự lo lắng về dự án. Betty Rapu, một hướng dẫn viên du lịch ở Rapa Nui với hơn 30 năm kinh nghiệm, cho biết chưa nhận được thông tin gì về kế hoạch bảo tồn moai. Cô đã tận mắt chứng kiến sự xuống cấp của tượng moai và biết rằng nếu không hành động kịp thời, chúng sẽ chỉ còn là những khối đá bình thường.
“Khách du lịch đến đây đều hỏi tại sao không có kế hoạch bảo tồn lâu dài”, cô nói. “Moai thu hút du lịch và tạo ra lợi nhuận cho nhà nước. Tuy nhiên, chính phủ lại không thực sự quan tâm đến việc bảo tồn chúng.”
Đối với những người dân Rapa Nui, Moai không chỉ là những khối đá trang trí cho hòn đảo mà chúng đại diện cho tổ tiên họ.