Các nhà nghiên cứu sinh vật thuộc Đại học Quốc gia Australia đã tìm hiểu vì sao không thể tìm thấy ở Indonesia loài chuột túi, gấu túi và những loài thú có túi khác vốn thường thấy ở Australia. Tuy nhiên, ở Australia lại có nhiều nhóm động vật có nguồn gốc ở châu Á như thằn lằn khổng lồ (hay còn gọi là con nhông), loài gặm nhấm và loài chim bói cá. Theo giải thích của nhóm nghiên cứu, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu từ hàng chục triệu năm trước đây và sự "va chạm lục địa" đã gây ra sự phân bổ không cân xứng như vậy. Theo các nhà khoa học, các loài động vật ở châu Á thích ứng tốt hơn đối với những điều kiện khí hậu khác nhau, do đó, có thể thích nghi tốt hơn đối với các điều kiện ở Australia. Trong khi đó, các loài động vật của Australia như chuột túi và gấu túi lại khó có thể thích nghi tốt với các điều kiện khí hậu ở châu Á nói chung.
Theo nhà khoa học Alex Skeels thuộc nhóm nghiên cứu, kết quả nói trên có thể là cơ sở cho những dự đoán về hình thái di cư của động vật trong tương lai cũng như dự đoán được loài nào sẽ thu nhận được kỹ năng sinh tồn tốt hơn ở môi trường mới. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khí hậu Trái Đất tiếp tục biến đổi và tác động đến các dạng thức đa dạng sinh học toàn cầu.
Nghiên cứu được tiến hành dựa trên dữ liệu của khoảng 20.000 loài chim, động vật có vú, động vật bò sát và động vật lưỡng cư để xác định xem loài nào di chuyển qua lại giữa Indonesia và Australia để sinh sống và loài nào thích nghi thành công tại nơi ở mới.