Theo các nhà nghiên cứu của RKI, nhiệt độ tăng khiến vi khuẩn có hại phát triển dễ hơn cũng như tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi và bọ ve lan rộng hơn, đưa các bệnh truyền nhiễm đến cả những khu vực cho đến nay chưa bị ảnh hưởng. Báo cáo nhấn mạnh "tác động của những thay đổi môi trường do con người gây ra đối với sức khỏe của chính con người đang tăng lên".
Báo cáo của RKI nêu rõ các hệ thống y tế công trên thế giới cần giải quyết gánh nặng phức tạp và to lớn này bằng cách tăng cường cả năng lực hành động và khả năng chống chịu. Gần 2/3 các mầm bệnh truyền nhiễm ở châu Âu là những loại “nhạy cảm với khí hậu”.
Đức ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus Tây sông Nile (WNV) vào năm 2018, năm ấm nhất kể từ khi các dữ liệu thời tiết bắt đầu được ghi chép lại. Đây cũng là một loại bệnh do muỗi lây truyền. Tuy nhiên, theo Cơ quan khí tượng quốc gia Đức (DWD), thời tiết năm 2022 đã ấm hơn năm 2018 với nhiệt độ trung bình 10,5 độ C, cao hơn 2,3 độ C so với nhiệt độ trung bình năm trong giai đoạn 1961 - 1990.
Theo báo cáo của RKI, khi nhiệt độ bề mặt của Biển Bắc và Biển Baltic ấm lên, các mầm bệnh trong nước như vi khuẩn Vibrio cũng có thể phát triển mạnh. Nhiễm trùng Vibrio chủ yếu xảy ra dưới dạng nhiễm trùng vết thương và bệnh tiêu chảy. Báo cáo khẳng định để cải thiện việc bảo vệ sức khỏe con người, mối liên hệ qua lại giữa sức khỏe con người và động vật với các hệ sinh thái lành mạnh phải được xem xét nghiêm túc hơn trong hàng loạt các lĩnh vực chính sách.
Báo cáo của RKI được thực hiện với sự cộng tác của hơn 90 tác giả từ 30 cơ quan, viện nghiên cứu.