Nhức nhối nạn xả rác bừa bãi
Đứng trên cao nhìn xuống, sông An Lão mùa này nước cạn, dòng chảy rất chậm, nước sông như càng đen đặc hơn, bốc mùi rất khó chịu. Từ phía nam sông An Lão xuôi xuống phía đông dọc bờ bãi thuộc các xã An Hảo, Ân Tín, Ân Mỹ…. lòng sông trông như một ao tù chứa đầy rác thải. Nào là túi nilon, thùng xốp, phế phẩm nông sản, xác động vật chết nổi lềnh bềnh dày đặc bốc mùi tanh tưởi, hôi hám. Có những đoạn sông đi qua khu dân cư bị bức tử nghiêm trọng, mùi hôi thúi nồng nặc, có những nơi nước sông đen ngầm vì chất thải chăn nuôi - chất thải sinh hoạt được nối ống thải trực tiếp ra sông.
Ông Trần Văn Lào, xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định cho biết dòng sông An Lão ngày xưa vốn xanh, trong và hiền hòa nhưng cảnh đó chỉ còn trong ký ức. Bây giờ sông cạn trơ ra đầy bao rác thải, nilon, xác động vật chết ô nhiễm môi trường.
“Lâu nay chính quyền địa phương vận động chúng tôi thu gom và xử lý rác đúng điểm quy định, không ném xuống sông, nhưng không hiểu sao rác ở lòng sông ngày càng nhiều. Bà con tui ở gần đây, những ngày hè nóng nực mùi hôi thối từ dưới sông bốc lên, không thể chịu nổi”- ông Lào bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Tám, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định cho biết thêm vào những mùa dịch heo, xác heo chết nổi lềnh bềnh trên sông, mùi hôi thối nồng nặc trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống hai bên bờ sông.
Được biết, các tổ chức đoàn thể xã hội của huyện Hoài Ân cũng đã nhiều lần ra quân dọn dẹp rác thải trên sông nhưng vẫn không dọn xuể. Cứ sau mỗi đêm, một lượng rác lớn lại tiếp tục phát sinh, trôi nổi trên sông.
Rác thải do người dân ném xuống bị mắc cạn dưới chân cầu Vạn Trung |
Cần giải pháp bền vững
Sở dĩ xảy ra hiện tượng này là bởi một bộ phận người dân chưa ý thức được tác hại của việc đổ rác, vứt xác súc vật bừa bãi ra môi trường. Nhưng nguyên nhân chính là dịch vụ thu gom rác thải hiện chưa “phủ sóng” đến các xã. Điều này khiến người dân buộc phải ném rác, xác súc vật xuống lòng sông để “xử lý” lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày.
Ông Trần Văn Trung, người dân ở xã Ân Tín cho biết, lượng rác thải sinh hoạt thải ra ngày một nhiều, trong khi việc thu gom rác chưa triển khai ở vùng nông thôn nên bà con đành tự “xử lý”. Chôn hoặc đốt rác thải trong khu vực vườn nhà mình thì sợ ảnh hưởng lâu dài về sau nên nhiều người chọn cách cho tất cả các loại rác vào bao tải rồi mang đi vứt ở những nơi cách xa nhà.
Không chỉ là rác thải sinh hoạt mà còn có cả xác chết động vật bốc mùi hôi thối |
Theo ông Huỳnh Công Khải- Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), việc xử lý rác thải là vấn đề đau đầu của địa phương nhiều năm nay. Do chưa có bãi tập kết, xử lý rác tập trung nên công tác thu gom rác thải trên địa bàn xã cũng như các địa phương vùng nông thôn ở Bình Định còn rất khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng hết nhu cầu tại nhiều khu dân cư. Dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chôn lấp rác trong vườn nhà, song người dân thường gom tất cả các loại rác, xác động vật đổ trực tiếp ra môi trường.
Hiện UBND xã Ân Hảo Tây đang xúc tiến xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải tập trung theo đúng tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thu gom rác thải, tránh tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ra môi trường tại thôn Tân Xuân.
“Về lâu dài, địa phương sẽ tiến hành xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải tập trung theo đúng tiêu chuẩn để hạn chế ô nhiễm môi trường. Trước mắt, các địa phương và ngành chức năng liên quan tiếp tục vận động bà con nhân dân tự xử lý rác bằng cách phân loại, rồi sau đó chôn lấp hoặc đốt, cam kết, không vứt xác động vật, rác thải, xã chất thải xuống sông An Lão”- ông Khải cho biết.
Tình trạng ô nhiễm rác thải tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân nhận thức được hiệu quả, tác dụng của thu gom, phân loại, xử lý rác thải, tỉnh Bình Định cần lồng ghép vào chương trình xây dựng NTM, tận dụng mọi nguồn lực xã hội hóa triển khai dịch vụ thu gom rác thải tại nông thôn.
Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường