Bỏ bữa sáng có liên quan đáng kể đến việc tăng nguy cơ tử vong liên quan đến tim mạch, đặc biệt là đột quỵ, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ hôm thứ Hai.
Sau khi tính đến tuổi, giới tính, chủng tộc, tình trạng kinh tế xã hội, chế độ ăn uống, lối sống, chỉ số khối cơ thể và tình trạng bệnh, nghiên cứu cho thấy những người không bao giờ ăn sáng có nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn 87% so với những người ăn sáng mỗi ngày, Tiến sĩ Wei Bao - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
"Bữa sáng thường được cho là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nhưng không có nhiều dữ liệu để nói 'đúng' hoặc 'sai' về quan niệm này. Nghiên cứu của chúng tôi sẽ cung cấp bằng chứng để hỗ trợ lợi ích lâu dài", ông Bao nói.
"Có một vài yếu tố nguy cơ tim mạch - ví dụ như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và rối loạn lipid. Phát hiện của chúng tôi phù hợp và được hỗ trợ bởi các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng bỏ bữa sáng có liên quan đến các yếu tố gây tử vong do tim mạch", Tiến sĩ Bao chỉ ra.
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm 15,2 triệu ca tử vong trong năm 2016, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Bỏ bữa sáng và tử vong do bệnh tim mạch
Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ năm 1988 đến 1994 trên 6.550 người Mỹ trưởng thành, tuổi từ 40 đến 75, về mức độ ăn sáng thường xuyên của họ trong Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia.
Dữ liệu riêng biệt được phân tích để xác định tình trạng sức khỏe của người trưởng thành trong năm 2011. Tất cả cho thấy có 2.318 trường hợp tử vong xảy ra trong thời gian theo dõi trung bình là 18,8 năm, bao gồm 619 ca mắc bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ về mức độ thường xuyên mỗi người ăn sáng và tỷ lệ tử vong, cụ thể là liệu cái chết có liên quan đến sức khỏe tim mạch hay không.
Trong số những người trưởng thành, 5,1% cho biết không bao giờ ăn sáng; 10,9% hiếm khi ăn sáng; 25% ăn sáng vào một số ngày và 59% ăn sáng mỗi ngày.
So với những người ăn sáng mỗi ngày, những người trưởng thành không bao giờ ăn có nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch cao hơn, theo nghiên cứu.
Tuy nhiên, nghiên cứu có một số hạn chế, bao gồm việc dữ liệu không đi kèm thông tin về loại thực phẩm hoặc đồ uống nào được tiêu thụ cho bữa sáng và liệu mô hình tiêu thụ bữa sáng của một người có thay đổi giữa năm 1994 tới nay.
Quan trọng nhất, nghiên cứu chỉ tìm thấy mối liên hệ giữa bỏ bữa sáng và nguy cơ tử vong sớm, chứ không phải bỏ bữa sáng đặc biệt gây ra tình trạng này. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem việc bỏ lỡ bữa ăn có thực sự có thể rút ngắn tuổi thọ hay không.