Đây là một trong những nội dung chính tại cuộc họp thống nhất giữa Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan vào sáng nay (16/8) sau khi tài xế dùng tiền lẻ để mua vé khi qua trạm BOT gây ùn tắc kéo dài những ngày qua.
Cụ thể, loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) mức thu từ 35.000 đồng/lượt giảm xuống còn 25.000 đồng/lượt; loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) từ 50.000 đồng/lượt giảm xuống còn 35.000 đồng/lượt.
Loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn từ 60.000 đồng/lượt giảm xuống còn 40.000 đồng/lượt; loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit) từ 100.000 đồng/lượt giảm xuống còn 70.000 đồng/lượt; loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit) giảm xuống còn 140.000 đồng/lượt so với trước đây là 180.000 đồng/lượt.
Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này.
Thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 21/8.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang.
Thời gian áp dụng được ấn định phải trước ngày 10/9.
Trước đó, ngày 15/8, Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang đa có văn bản hỏa tốc kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án hợp lý hơn nhằm giảm chi phí vận tải góp phần giảm chi phía hàng hóa lưu thông từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh khác và ngược lại.
Về đối tượng miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Sở này kiến nghị xem xét, miễn giảm cho các đối tượng.
Cụ thể, miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm Cai Lậy với đối tượng là phương tiện không kinh doanh vận tải và chủ phương tiện thường trú trên địa bàn 4 xã gồm Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An của huyện Cai Lậy.
Trước đó, nhiều chủ phương tiện dùng tiền lẻ mua vé đồng thời cho xe chạy rất chậm qua trạm, gây ùn tắc giao thông. Việc làm này nhằm phản đối trạm thu phí giá cao, đặt không đúng vị trí để tận thu các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1. Do vậy, cả hai đầu trạm thu phí đều xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Tại chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định các dự án giao thông nói chung đều xuất phát từ nhu cầu địa phương, nhiều địa phương mong muốn có tuyến tránh để có cơ hội mở rộng thị trấn, thị tứ, thành phố. Dự án Cai Lậy đã thực hiện lấy đầy đủ ý kiến từ hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội đến chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết thêm, với chuyện ở Cai Lậy thì người dân tại chỗ không có phản ứng mà chỉ có 7 doanh nghiệp ở địa phương khác phản ứng và có hiện tượng dàn xe tại chỗ để dựng chuyện.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem lại phương án tài chính, có thể sẽ giảm phí từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng. Phương án này nhà đầu tư cũng đồng tình, nhưng sẽ phải kéo dài thu phí từ 7 năm lên 12-13 năm vì tổng mức đầu tư không thay đổi.
Dự án xây dựng 12km đường tránh thị xã Cai Lậy và sửa chữa 26km Quốc lộ 1 được khởi công ngày 20/2/2014 theo hình thức BOT. Nhà đầu tư là liên danh Công ty Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty Cổ phần Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1. Để hoàn vốn, dự án được lập trạm thu phí để thu trong vòng 6 năm 5 tháng (77 tháng).
Trạm BOT Cai Lậy hoạt động, thu phí từ ngày 1/8/2017. Giá vé tại trạm thu phí này thấp nhất là 35.000 đồng/lượt, cao nhất là 180.000 đồng/lượt, trung bình mỗi ngày có khoảng 50.000 lượt xe qua lại.