Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 7/11, sau khi kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đăng đàn giải đáp các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Bước đầu tinh gọn bộ máy, hạn chế chồng chéo, giao thoa
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn 3 nhóm vấn đề chính: việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cảm ơn các đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước đã luôn quan tâm, theo dõi các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của ngành Nội vụ; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước, nhất là triển khai các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6,7 khoá XII về sắp xếp tổ chức bộ máy trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã kết hợp với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả là mục tiêu mà các nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ đã đặt ra, nhất là quan điểm, chủ trương về việc định hướng lộ trình tổ chức thực hiện cụ thể.
Thông tin trước Quốc hội về kết quả thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của nhiều bộ, ngành và địa phương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết đến nay việc sắp xếp đã góp phần làm tinh gọn bộ máy và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa; bước đầu đã giảm được 4 tổng cục, 11 vụ thuộc bộ, 9 đơn vị sự nghiệp của Trung ương.
Số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giảm nhiều như Cao Bằng giảm 3 huyện, 38 xã; Thanh Hoá giảm 76 xã; Hoà Bình giảm 59 xã; Phú Thọ giảm 52 xã…
Việc tinh giản biên chế đã thu được kết quả khả quan trong khối hành chính nhà nước. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Nội vụ đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cụ thể hóa các nghị quyết; sửa đổi, bổ sung 5 bộ luật, xây dựng 26 nghị định, 20 thông tư và 8 đề án để thực hiện các vấn đề nêu trên.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện mới đạt được kết quả bước đầu, chưa đạt được các mục tiêu nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đề ra với nhiều lý do khác nhau.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ vì cán bộ là người xây dựng thể chế chính sách, tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, Bộ trưởng cho rằng để cán bộ, công chức thật sự là công bộc của dân, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, từ tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo lại và thực hiện các chính sách cán bộ, qua đó từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế; xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ. Qua đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định Bộ Nội vụ sẽ lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến của tất cả các đại biểu trong phiên chất vấn.
Trong phạm vi, kiến thức hiểu biết của mình cũng như với trách nhiệm của người đứng đầu ngành Nội vụ, Bộ trưởng sẽ cố gắng tập trung giải đáp, chia sẻ ý kiến cùng với đại biểu Quốc hội thuộc các nhóm vấn đề đã nêu, nhằm tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và địa phương.
Giảm bớt thủ tục về văn bằng, chứng chỉ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Phúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch, còn tồn tại nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học rất ngắn, dẫn đến chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất.
Đồng thời, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến.
Từ những nguyên nhân đã nêu, đại biểu băn khoăn liệu mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch có gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tính hình thức này, liệu có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đánh giá, việc xây dựng vị trí việc làm và quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm là một nội dung rất quan trọng, là cơ sở lâu dài cho quản lý, sử dụng công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hồng Nguyên nêu rõ: “Mặc dù vấn đề này đã được triển khai từ năm 2012 song việc hướng dẫn của Bộ Nội vụ còn quá chung chung.”
Đại biểu cũng trao đổi thêm có tình trạng đối với một số vị trí việc làm không cần sử dụng văn bằng, chứng chỉ nhưng vẫn còn yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, việc quy định chung này dẫn đến hiện nay mỗi địa phương, mỗi nơi lại có cách làm khác nhau, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng nêu trên.
Về việc thi xét tuyển, xem xét nâng ngạch công chức, viên chức hiện nay, qua dư luận báo chí, phản ánh của đồng bào cử tri cả nước, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận “thấy rất phiền hà” trong vấn đề văn bằng, chứng chỉ.
Không phải riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, Bộ trưởng cho rằng quy trình bổ nhiệm hiện nay cũng yêu cầu 7 bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện, Bộ trưởng bày tỏ: “Tôi thấy nó nhiều quá.”
Giải thích cho bất cập này, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm, “Tôi nghĩ là hai mươi mấy năm rồi, phải sửa.”
Ông Lê Vĩnh Tân thay mặt Bộ Nội vụ nhận khuyết điểm này: “Một quyết định để hai chục năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết trước Quốc hội năm 2020 sau Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào nữa.”
Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng các chứng chỉ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng có nhiều cách tháo gỡ như tổ chức thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính, sát hạch bằng tiếng Anh; đồng thời khẳng định sẽ đưa vào triển khai các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính hiện đang quá nhiều, “không bắt buộc phải cung cấp cái này cung cấp cái kia."
Riêng vấn đề tin học, ngoại ngữ, Bộ trưởng làm rõ thêm trước các đại biểu: “Trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Chúng ta quy định về tuyển dụng công chức bằng cấp bằng ngoại ngữ là như nhau, chỉ là từng vị trí phải có chứng chỉ, văn bằng, bằng cấp khác nhau.”
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sắp tới các quy định này sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng phù hợp hơn, đặc biệt nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, “ tức là phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế.”
Theo Bộ trưởng, cần quy định tiêu chuẩn cho từng chức danh cụ thể: “Chúng tôi kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong môi trường quốc tế. Anh đi hội thảo quốc tế nhiều, anh tổ chức các hội nghị, anh nghe nói tiếng Anh mà bắt dẫn theo phiên dịch à?”
Về vấn đề chất lượng trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ, công chức, Bộ trưởng hứa trước Quốc hội: “Sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành sẽ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, đó là vấn đề đi vào thực chất có đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình,” Bộ trưởng nhấn mạnh./.