Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương để xin ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề nghị tăng thuế đối với một số hàng hóa và đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.
Theo luật thuế Bảo vệ môi trường hiện hành, khung thuế đối với xăng từ 1.000 đồng/lít đến 4.000 đồng/lít; đối với dầu diesel từ 500 đồng/lít đến 2.000 đồng/lít. Luật giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa.
Trong dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh biểu thuế xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít…
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết theo tính toán toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế lần này sẽ giúp số thu ngân sách tăng khoảng gần 15.600 tỉ đồng. Trong đó, riêng xăng là gần 8.000 tỉ đồng. Theo luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Theo Thanh niên
Vẫn theo ông Thi, đối với xăng dầu, hiện nay, Việt Nam đang thực hiện các Hiệp định thương mại tự do FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Đây là một nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, các mặt hàng này không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Giá xăng dầu của chúng ta hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước thế giới ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của chúng ta thấp hơn 122 nước”, ông Thi nêu thêm lý do đề xuất tăng thuế xăng dầu.
Theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sau khi đề án được nghiên cứu xây dựng, thời gian xin ý kiến bộ ngành địa phương, thẩm định, báo cáo Chính phủ... cần tới hơn 6 tháng mới hoàn thành được.
Bộ Tài chính đang đề nghị Nghị quyết này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1.7 tới. Để đảm bảo thời gian thì phải đưa ra dự thảo từ bây giờ.