Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là thành viên Chính phủ thứ ba, sau Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn.
Bước vào phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 66 đại biểu Quốc hội đăng kí chất vấn.
Chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch lái xe
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu, hiện nay cơ quan chức năng vẫn đang khó khăn trong kiểm soát xe quá khổ, quá tải khiến hệ thống đường giao thông bị xuống cấp gây lãng phí cho Nhà nước và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT làm rõ những nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này. Ngoài ra, đại biểu trả lời về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc xử lý xe quá khổ quá tải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; ở Bộ GTVT, có Trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm. Khi đăng kiểm, tất cả các xe đều phải đảm bảo đúng quy trình, đúng kết cấu trong hồ sơ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sau khi đăng ký, đăng kiểm, một số chủ phương tiện cơi nới để chở quá tải. Việc này xảy ra sau khi đăng ký đăng kiểm và xảy ra ở địa phương.
Về trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đã chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp cùng với chính quyền địa phương tăng cường xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của các chủ phương tiện. Tuy nhiên, tình trạng quá khổ quá tải còn diễn ra một số địa phương, tập trung chủ yếu ở tuyến đường nông thôn, tỉnh huyện. Các xe này không dám đi trên đường quốc lộ vì ở đây có nhiều lực lượng tuần tra kiểm soát hơn. “Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cùng với công an các cấp, tăng cường kiểm tra giám sát. Đây là hành vi phá hoại tài sản của nhà nước. Xe quá khổ quá tải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu mặt đường” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề đào tạo sát hạch cấp GPLX, Bộ trưởng thừa nhận đây là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông, do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp GPLX.
Bộ trưởng cho biết: “Hiện chúng tôi đang dự thảo điều chỉnh Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính cũng như Nghị định 86, chúng tôi đã lồng ghép nội dung như tăng cường giám sát giờ học của các học viên, tăng cường giám sát thời gian tập trên đường, tăng độ khó của các đề thi, đưa ra một số tình huống khó. Chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác đào tạo cấp GPLX, để mỗi lái xe khi nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất”.
Không có chuyện không đồng ý kiểm toán dự án BOT
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết, sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Nhưng trước đó, hai Bộ GTVT và Kế hoạch và Đầu tư có lập luận cho rằng Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán dự án BOT giao thông do đây là dự án của nhà đầu tư tư nhân.
Đại biểu nêu hàng loạt câu hỏi đối với người đứng đầu ngành GTVT: "Vì sao 2 bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm thu phí của 61 dự án BOT không? Và có lợi ích nhóm ở đây không?".
Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước. Ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ GTVT đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, thậm chí mời cả Công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ GTVT không đồng ý kiểm toán dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán. Số liệu hơn 200 năm phải trả phí mà các đại biểu phản ánh, trong kỳ họp trước chúng tôi đã trả lời. Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, chúng tôi sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong, chúng tôi sẽ quyết toán. Căn cứ vào quyết toán thực tế, chúng ta điều chỉnh lại hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới cho thu phí. Nếu kiểm toán căn cứ vào dự án khi mới được phê duyệt sẽ không đúng thực tế. Chúng tôi đã giải trình một lần rồi. Số liệu hơn 200 là đúng nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu”.
Quốc hội nghe chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể |
Nhiều dự án đội vốn, trách nhiệm thuộc về ai?
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phản ánh việc các dự án của ngành giao thông có nhiều tồn tại như chậm tiến độ, đội vốn. “Có trách nhiệm cá nhân không hay chỉ là trách nhiệm tập thể?”, ông hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, vừa qua, Thanh tra Bộ đã thanh tra tất cả dự án dư luận và báo chí phản ánh về chất lượng, cùng với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành xử lý.
Với dự án chậm do yếu tố khách quan, như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời, Bộ trưởng cho rằng có thể kiểm điểm rút kinh nghiệm. Nhưng với trách nhiệm có nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư hay doanh nghiệp thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định, kể cả chuyển hồ sơ cho công an.
Theo Bộ trưởng, đa số các dự án đội vốn rơi vào các dự án đường sắt đô thị và đây là công nghệ mới, chủ yếu được phê duyệt trước giai đoạn 2008. Giai đoạn 2008-2009 là thời gian khủng hoảng nghiêm trọng, riêng năm 2009 trượt giá gần 20%. Theo thống kê từ 2009-2013 trượt giá đến 49%.
“Như vậy có yếu tố công nghệ mới, có yếu tố trượt giá và thay đổi quy mô, chủ trương đầu tư nên có dự án đội vốn”, Bộ trưởng giải thích.
Ông cho biết các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra các dự án đội vốn và xử lý nghiêm theo quy định.
Về trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng cho biết đã điều chuyển một số giám đốc Ban quản lý dự án và kiểm điểm cuối năm khi xếp loại cán bộ đã xếp loại hoàn thành thay vì hoàn thành tốt.
Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu yêu cầu Bộ trưởng phải trả lời rõ trách nhiệm của Bộ trong nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ.
“Không phải chỉ có 5 dự án đường sắt như Bộ trưởng nói là đội vốn đâu. Trong tài liệu kiểm toán mà chúng tôi nghiên cứu thì có nhiều dự án đội vốn rất lớn, đề nghị Bộ trưởng phải xem lại” – đại biểu thẳng thắn.
Đại biểu cũng đề nghị quy trách nhiệm đến cùng những cá nhân nào để gây ra tình trạng thất thoát lãng phí này để xử lý nghiêm, răn đe cho những dự án sau./.