Căn cứ cách thể hiện, các tình huống và bối cảnh cụ thể, tính tương tác, tần suất, thời lượng, mức độ chi tiết của hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, lời thoại và mức độ tác động của bộ phim đối với người xem, trong đó tầm quan trọng của bối cảnh và mức độ tác động đến người xem là những yếu tố ưu tiên trong việc phân loại phim.
Thông tư gồm 6 điều quy định tiêu chí phân loại và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phổ biến phim.
Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại được xếp từ thấp đến cao: Loại P: phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại K: phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; loại T13 (13+): phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại T16 (16+): phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T18 (18+): phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại C: phim không được phép phổ biến.
Tiêu chí phân loại phim bao gồm:Tiêu chí về chủ đề, nội dung;Tiêu chí về bạo lực;Tiêu chí về khỏa thân, tình dục;Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Tiêu chí về kinh dị; Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục; Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Từng tiêu chí cũng chia ra các hướng dẫn cụ thể nhưng dựa trên nguyên tắc chung: bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương đối với nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực; căn cứ cách thể hiện, các tình huống và bối cảnh cụ thể, tính tương tác, tần suất, thời lượng, mức độ chi tiết của hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, lời thoại và mức độ tác động của bộ phim đối với người xem, trong đó tầm quan trọng của bối cảnh và mức độ tác động đến người xem là những yếu tố ưu tiên trong việc phân loại phim; tùy vào nội dung, phim được cân nhắc phân loại ở mức thấp hơn khi có các tình tiết (khi được miêu tả bằng lời nói thay vì hình ảnh; hình ảnh có mức độ tác động thấp).
Tùy vào nội dung, phim được cân nhắc phân loại ở mức cao hơn khi có các tình tiết: chứa nhiều chi tiết hơn, bao gồm cả việc quay cận cảnh và quay chậm; sử dụng các kỹ thuật tạo điểm nhấn như kỹ thuật ánh sáng, phối cảnh và độ phân giải; sử dụng các hiệu ứng đặc biệt như ánh sáng và âm thanh, độ phân giải, màu sắc, kích thước của hình ảnh, đặc điểm và tông màu; được tả thực, thay vì cách điệu; khuyến khích tương tác; mức độ tác động cộng hưởng của nhiều tiêu chí phân loại.
Trường hợp phim ở giữa các mức phân loại, thì phim có cách xử lý tình huống và kết quả thể hiện thông điệp giáo dục, nhân văn, ca ngợi các giá trị đạo đức, xã hội, tác động tích cực tới người xem sẽ được xem xét phân loại ở mức thấp hơn…
Cảnh trong phim Hai Phượng
Về nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim, Thông tư quy định, phim phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P. Việc hiển thị mức phân loại phim phải bảo đảm cung cấp được thông tin về mức phân loại phim, và nội dung cảnh báo trong khoảng thời gian đủ để người xem tiếp nhận được thông tin.
Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hoá nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim trên màn hình chiếu phim, website, ứng dụng bán vé trực tuyến, quầy vé trực tiếp và các hình thức phù hợp khác
Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng, cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim ở thư mục giới thiệu/hiển thị chương trình trên giao diện màn hình của thiết bị để người nghe, người xem đưa ra quyết định nghe, xem phim cung cấp trên dịch vụ, đảm bảo mức phân loại phim được hiển thị rõ ràng và nổi bật. Mức phân loại phim phải được hiển thị ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình trong suốt thời gian phổ biến phim, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác;
Về nguyên tắc thực hiện cảnh báo, việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện trước và trong quá trình phổ biến phim. Việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn: lời nói, chữ viết. Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hoá nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.
Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng: hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 03 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim; hiển thị tối đa 03 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Thông tư được ban hành kèm theo Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi là sự cụ thể hoá và đưa các quy định của Luật Điện ảnh vào cuộc sống; đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của công chúng; đồng thời tăng cường quản lý, kiểm soát những tác động của tác phẩm điện ảnh với khán giả theo từng lứa tuổi.
Việc xây dựng Thông tư còn đưa ra định hướng, sáng tạo về các đối tượng khán giả trong quá trình sản xuất phim của các nghệ sĩ điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tác và sản xuất phim tại Việt Nam.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20.5.