Theo Times, các bác sỹ phẫu thuật tại Đại học Johns Hokins ở Baltimore, Mỹ đã tiến hành thành công ca ghép thận mà lần đầu tiên cả người ghép thận và người hiến tặng đều bị nhiễm virus HIV. Đây được cho là một ca phẫu thuật khá đặc biệt vì cả người hiến tạng và người nhận đều nhiễm HIV và còn sống.
Chị Nina Martinez (35 tuổi) – người hiến tạng, ngày 28/3, sau 3 ngày tiến hành cuộc phẫu thuật thì tình hình sức khỏe của chị đều ổn.
Các bác sĩ thuộc Khoa ung bướu và dược phẩm thuộc Đại học Johns Hokins cho biết sức khỏe của người được ghép thận (giấu tên) đang có những chuyển biến tích cực.
Nina Martinez, 35 tuổi, không may bị nhiễm HIV do truyền máu lúc 6 tuần tuổi vào năm 1983, thời điểm ngân hàng máu chưa sàng lọc căn bệnh này. Nina may mắn sống sót đến năm 13 tuổi khi thuốc ức chế virus HIV được phát minh vào năm 1996. Nina bắt đầu tìm hiểu về hiến tạng khi cô có một người bạn nhiễm HIV cần được hiến thận. Tuy nhiên, bạn của cô đã chết trước khi các xét nghiệm được phê duyệt. Nina không từ bỏ quyết định hiến thận. Cô đã tặng nó cho một người lạ, cũng bị nhiễm HIV.
Bác sĩ Dorry Segev, giáo sư tại Trường Y khoa Johns Hopkins, và cũng là bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật lấy thận của chị Martinez, ca ngợi lòng dũng cảm của chị, đồng thời cho rằng ca phẫu thuật lịch sử này "thực sự là một điều đáng chúc mừng với công tác chăm sóc điều trị người có HIV và sự thay đổi đột phá của nó".
Bác sĩ Dorry Segev còn chia sẻ thêm: “Những người có HIV không thể hiến máu. Nhưng giờ đây họ có thể hiến thận. Họ mắc một căn bệnh mà 30 năm trước là một án tử hình. Nhưng nay, họ đã đủ sức khỏe để có thể trao đổi sự sống cho người khác”.
Trước đó, các ca phẫu thuật ghép tạng mới chỉ được thực hiện giữa bệnh nhân nhiễm virus HIV và người hiến tạng là bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong hoặc người có sức khỏe bình thường. Vì vậy, ca hiến tạng từ người nhiễm HIV còn sống này được cho là đánh dấu sự đột phá của ngành y học hiện nay.