Giai đoạn từ ngày 12 đến 17/1 đều nằm trong top 10 ngày nóng nhất của Australia, Cục Khí tượng nước này cho biết.
Thị trấn Marble Bar ở tây bắc Australia đạt nhiệt độ cao nhất trong đợt nắng nóng này với 49,1 độ C vào Chủ nhật vừa qua - một kỷ lục trong tháng 1 tại khu vực này. Thị trấn đã chứng kiến hơn 20 ngày liên tiếp nhiệt độ trên 40 độ C.
Vào thứ Tư vừa qua, bang New South Wales đã phá vỡ 14 kỷ lục nhiệt, một số đoạn đường đã bị nung chảy do nắng nóng.
Các kỷ lục trên khắp các bang như New South Wales và Victoria trong tuần qua bao gồm 48,9 độ C tại Cảng Augusta, 47,8 C ở thị trấn Andamooka và 46,4 độ C ở thành phố Griffith.
"Dựa trên phạm vi và thời gian, đây là đợt nắng nóng đáng kể nhất đã ảnh hưởng đến nội địa phía đông Australia kể từ tháng 1 năm 1939", ông Simon Grainger - nhà khí hậu học, cho biết
Vùng ngoại ô Noona ở phía tây bang New South Wales đã phá vỡ kỷ lục "nhiệt độ tối thiểu" mọi thời đại vào tối thứ Năm tuần này, với mức nhiệt trên 35,9 độ C suốt đêm, theo Cục Khí tượng Australia.
Trong khi các khu vực nội địa ở hai bang New South Wales và Queensland dự kiến sẽ chứng kiến mức nhiệt tăng trở lại vào thứ Sáu.
Thị trấn Tarcoola ở miền Nam, nơi đã đạt tới 49 độ C hôm thứ Na, được dự báo sẽ hạ mức nhiệt xuống còn 31 độ C vào thứ Sáu.
Với mức nhiệt tiếp tục duy trì, rất nhiều người dân Australia bao gồm cả người trẻ, người già và những người mắc bệnh hen suyễn hoặc các bệnh về đường hô hấp đang gặp vấn đề sức khỏe.
Nồng độ ozone tăng cao
Hôm thứ Tư, các nhà chức trách y tế bang New South Wales cảnh báo rằng nhiệt độ cao dự kiến sẽ góp phần gây ô nhiễm không khí và khiến nồng độ "ozone tăng cao" trên khắp thành phố Sydney.
Tiến sĩ Richard Broome - Giám đốc cơ quan y tế bang này cho biết những người mắc bệnh hen suyễn và các vấn đề hô hấp khác đặc biệt dễ bị tổn thương vì nồng độ ozone "có thể gây kích ứng phổi".
"Mức ozone ở ngoài trời cao hơn trong nhà và thường cao nhất vào buổi chiều và đầu buổi tối, vì vậy việc hạn chế thời gian ngoài trời vào ban ngày và buổi tối giúp mọi người không chỉ giữ mát mà còn hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm không khí", ông Broome nói.
Một cảnh báo về sức khỏe đã được đưa ra trên khắp New South Wales từ thứ Ba, cảnh báo mọi người ở trong nhà vào thời điểm nóng nhất trong ngày, giảm thiểu hoạt động thể chất và giữ nước.
"Các dấu hiệu của bệnh liên quan đến nhiệt bao gồm chóng mặt, mệt mỏi, khó chịu, khát nước, ngất xỉu, đau cơ hoặc chuột rút, đau đầu, thay đổi màu da, mạch đập nhanh, khó thở, nôn mửa và loạn trí", tuyên bố cho biết.
Đây là đợt nắng nóng thứ hai tấn công Australia sau chưa đầy một tháng. Chỉ hơn hai tuần trước, nước này trải qua kỳ Giáng sinh nóng bức đã dẫn đến các cảnh báo hỏa hoạn và hạn hán nghiêm trọng.
Cá, dơi chết hàng loạt
Nhiệt độ cao đang làm cũng ảnh hưởng tới hệ động thực vật tại Australia. Trong lưu vực sông Murray-Darling ở phía đông nam, hơn một triệu con cá chết đã dạt vào bờ.
Ông Niall Blair, Bộ trưởng Công nghiệp bang New South Wales, cho biết sẽ có thêm nhiều cái chết của các sinh vật biển trong những ngày tới khi nhiệt độ tiếp tục tăng, theo truyền thông địa phương.
Nhưng các nhà hoạt động môi trường đã đổ lỗi cho những cái chết hàng loạt này là do chính quyền tiểu bang và liên bang quản lý yếu kém, cho rằng việc tiêu thụ nước hàng loạt của nông dân đã để lại quá ít nước cho cá sống sót.
Cá chết hàng loạt do nắng nóng ở Australia. Ảnh: CNN |
"Việc thiếu nước ở sông Darling và hồ Menindee có nghĩa là các nhà chức trách không thể xả sạch hệ thống trước khi hàng triệu con cá bị chết ngạt do thiếu oxy trong nước", nhà lập pháp độc lập ở New South Wales, ông Jeremy Buckingham tuyên bố.
"Vụ giết cá hàng loạt này sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả nước", ông Buckingham cho biết.
Ngay cả loài của dơi cũng phải khuất phục trước sức nóng và rơi xuống từ cây cối ở thành phố Adelaide, tình trạng chết hàng loạt này có thể ảnh hưởng tới môi trường trong khu vực.
Nhiệt độ cao có thể là thảm họa đối với các loài dơi. Sau một đợt nắng nóng ở phía bắc bang Queensland vào tháng 11, ước tính có khoảng 23.000 con dơi đã chết.
Ở Nam Australia, sức nóng cực độ đang khiến các loại trái cây như đào và xuân đào, bị nấu chín từ trong ra ngoài, khiến người nông dân nước này chịu thiệt hại lớn và đang phải chiến đấu với thời gian và nhiệt độ để thu hoạch các loại trái cây.
Biến đổi khí hậu gây thiệt hại
Tháng Một thường là tháng nóng nhất của mùa hè Australia và nhiệt độ hàng năm đều ở mức cao kỷ lục.
Một báo cáo do Cục Khí tượng công bố hôm thứ Năm tiết lộ năm 2018 là năm nóng thứ ba của đất nước này được ghi nhận, với lượng mưa dưới 11% mức trung bình.
Mùa đông năm ngoái của Australia đã chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, khi đã phá hủy sinh kế của nông dân khi đất nông nghiệp trở nên khô cằn và cằn cỗi.
Mặc cho một báo cáo từ Hội đồng liên chính phủ về tình hình biến đổi khí hậu nếu nhiệt độ thế giới tăng lên trên 1,5 độ C vào giữa thập kỷ tới, chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison đã từ chối loại bỏ việc sử dụng nhiệt điện từ than đá.