Các 'cậu ấm' Trung Quốc tiếp quản cơ nghiệp gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khi Steven Du tiếp quản nhà máy sản xuất hệ thống kiểm soát nhiệt độ của cha mẹ mình ở Thượng Hải, một trong những thay đổi đầu tiên anh tạo ra là bật hệ thống sưởi của nhà máy vào mùa đông, điểu mà cha mẹ anh phản đối.
Các 'cậu ấm' Trung Quốc tiếp quản cơ nghiệp gia đình

"Nếu không cải thiện môi trường làm việc, năng suất lao động chắc chắn sẽ thấp", Du nói. "Điều này đáng để gia tăng thêm chi phí vận hành nhà máy".

Giống như hàng chục nghìn ông chủ trẻ tuổi khác của Trung Quốc, Du đang kế thừa một doanh nghiệp sản xuất không còn khả năng tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ và chi phí thấp, mô hình từng một thời đưa Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.

Các học giả Trung Quốc cho biết, lực lượng lao động đang già đi và thu hẹp cùng với sự cạnh tranh từ Đông Nam Á, Ấn Độ đang khiến ít nhất 1/3 cơ sở công nghiệp của Trung Quốc trở nên lỗi thời.

Nhiệm vụ duy trì sản nghiệp của các nhà xưởng Trung Quốc đang phụ thuộc vào những người ở độ tuổi 20-30 như Du, hay còn được gọi là thế hệ "phú nhị đại" (ám chỉ thế hệ con cái của giới nhà giàu mới nổi). Thế hệ cha mẹ họ từng nổi lên sau khi Trung Quốc tiến hành mở cửa nền kinh tế dưới thời Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân.

Nhà nghiên cứu Zhang Zhipeng từ Viện Nghiên cứu Cấu trúc Mới và Phát triển Chất lượng Cao Thâm Quyến, cho biết: “Nếu thuộc thế hệ phú nhị đại, tôi sẽ cố gắng cứu doanh nghiệp gia đình mình khỏi phá sản".

Zhang ước tính hiện Trung Quốc có khoảng 45.000 đến 100.000 người thuộc nhóm "phú nhị đại" đang ở các giai đoạn khác nhau để tiếp quản 1/3 các công ty sản xuất tư nhân trên cả nước.

Ngành công nghiệp Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi thế hệ quy mô lớn, diễn ra khi triển vọng tăng trưởng trở nên mờ mịt vì dịch bệnh COVID-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Nhiều người thuộc nhóm "phú nhị đại" cho biết đang nỗ lực để hướng các doanh nghiệp gia đình vào kỷ nguyên hiện đại với việc nâng cấp công nghệ, trong khi phải đối mặt với những thách thức như chi phí lao động, thiếu nhân lực, hay thậm chí là xung đột về cách vận hành doanh nghiệp với chính cha mẹ mình.

Với Daniel Du, cha mẹ của người đàn ông 29 tuổi này cũng đang ở độ tuổi ngũ tuần, và gần như bàn giao toàn bộ công việc kinh doanh cho con trai. Giống như những người thuộc nhóm "phú nhị đại", Du lớn lên trong sự thoải mái và được hưởng những điều kiện mà cha mẹ anh không dám mơ tới.

Sau khi tốt nghiệp trung học và đại học ở New Zealand, chuyên ngành kỹ thuật điện, Du chuyển đến Mỹ, làm việc cho hãng công nghệ Foxconn ở bang Wisconsin. Đặc biệt, Du học hỏi rất nhiều các kiến thức từ các nhà máy tại Đài Loan và Nhật Bản, tập trung vào việc gia tăng năng suất.

Những kỹ năng đó sẽ có ích cho việc vận hành một nhà máy do chính phủ Trung Quốc thành lập năm 1951 và tư nhân hóa kể từ năm 2002.

Sự nhạy bén trong kinh doanh của cha Du và sự chăm chỉ của mẹ anh đã giúp biến nhà máy này thành cơ sở cung cấp cho các hãng thiết bị lớn của Trung Quốc. Họ cũng bán các thành phần được sử dụng trong hệ thống kiểm soát nhiệt độ cho các trung tâm mua sắm, phòng máy tính, công nghệ làm mát pin và thiết bị y tế.

Nhưng các quy trình sản xuất hầu như không thay đổi cho đến khi Du tiếp quản vào năm 2019. Anh đã áp dụng các phần mềm công nghiệp chuyên dụng giúp cắt giảm kế toán, đơn đặt hàng, hoạt động mua sắm, giao hàng và các quy trình từng phụ thuộc vào nguồn nhân lực lớn.

Ngoài ra, Du sửa sang lại sàn nhà máy để cho phép xe nâng di chuyển dễ dàng, phân nhóm các đơn vị lưu trữ và sản xuất theo cách khác nhau để phù hợp với đội ngũ nhân lực đang cận kề ngưỡng tuổi 50.

Hiệu quả thể hiện ngay bằng các con số. Cùng với khối lượng công việc trước đây, một người công nhân sẽ chỉ cần di chuyển khoảng 300 m và 10 phút, thay vì di chuyển tới 1.000 m và mất 30 phút.

Trong 3 năm qua, Du đã tăng từ 10-20% lương để giữ tỷ lệ thay thế công nhân ở dưới mức 5%, đổi lại hiệu quả sản xuất tăng hơn 50%.

Trong khi mẹ của Du dành gần như cả ngày trong nhà xưởng để quản lý công việc, anh sẽ kết thúc công việc lúc 4 giờ chiều, tập thể dục ngay trong nhà máy trước khi lái xe về nhà.

“Những người trẻ tuổi thích lười biếng hơn, nhưng sự lười biếng thực sự là một biểu hiện của sự tiến bộ", Du nói.

Theo nhà nghiên cứu Zhang Zhipeng các nhà máy cần chuyển sang công nghệ sản xuất cao cấp hơn hoặc sẽ thất bại vì chi phí của họ đang tăng lên.

Con trai của mẹ

Sau khi tiếp quản cơ sở sản xuất các sản phẩm từ trứng của gia đình tại tỉnh Giang Tây, Zhang Zeqing tiến hành số hóa các quy trình sản xuất và nhanh chóng gặt hái thành công.

Tại nhà máy của Zhang, các công nhân trong bộ đồng phục màu xanh lá cây đặt trứng vịt vào những chiếc cốc gắn trên băng tải để nạp vào máy đóng gói chân không. Một màn hình phía trên máy hiển thị tốc độ đóng gói trứng và ước tính sản lượng trung bình trên mỗi công nhân, cũng như thời gian và nhân lực cần thiết để đóng gói 1 vạn quả trứng.

Mã vạch theo dõi tất cả các sản phẩm từ trang trại đến nhà máy và cửa hàng, cho phép người giám sát theo dõi đơn đặt hàng, sản xuất và giao hàng trên điện thoại của họ và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực.

“Trước đây, cha mẹ tôi quản lý nhà máy bằng sổ sách”, người đàn ông 30 tuổi nói. "Tất cả dữ liệu nội bộ đều bị lẫn lộn. Điều này dẫn đến tổn thất chi phí".

Giống như nhiều "phú nhị đại", Zhang chưa bao giờ có ý định tiếp quản nhà máy. Anh muốn học ngành thiết kế cảnh quan tại Pháp. Nhưng khi được cha mẹ thuyết phục trở về tiếp quản công việc gia đình, ít nhất là trong vài năm, anh đã thuyết phục họ nâng cấp công nghệ và thiết lập các kênh phân phối mới trên nền tảng thương mại điện tử.

Zhang nhận thấy cần phải áp dụng công nghệ bởi ngày càng ít người trẻ sẵn sàng làm các công việc tay chân, trong khi nhân công cũ ngày càng già đi.

Trung Quốc có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp kỷ lục, nhiều người trong số họ có bằng đại học nhưng không muốn làm việc trong các nhà máy.

Ban đầu, cha mẹ của Zhang phản đối đầu tư tiền vào công nghệ, bởi họ thấy công việc kinh doanh vẫn kiếm ra tiền. Nhưng Zhang đã dần thay đổi quan điểm của cha mẹ.

Doanh số bán hàng của công ty đã tăng 35% mỗi năm kể từ khi Zhang đứng ra quản lý công việc.

"Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mô hình thương mại điện tử của mình thành công, trong khi những người khác lại thất bại. Một người quản lý nói với tôi rằng vì tôi là con trai của mẹ nên bà sẽ hỗ trợ tôi vô điều kiện, ngay cả khi tôi thất bại", Zhang nói.

Áp lực lớn

Nhìn chung, Trung Quốc đang nâng cấp tổ hợp công nghiệp của mình ở quy mô lớn hơn so với những thay đổi được thực hiện bởi các nhà quản lý trẻ tuổi như Du và Zhang.

Một số lĩnh vực, chẳng hạn như ngành công nghiệp xe điện được robot hóa mạnh mẽ, đang phá vỡ thị trường toàn cầu nhờ trợ cấp của nhà nước, cũng như vốn và bí quyết nước ngoài.

Tuy nhiên, thế hệ "phú nhị đại" có đóng góp không nhỏ cho ngành sản xuất Trung Quốc, bởi họ đang nâng cấp những nhà xưởng vừa và nhỏ.

Một số công nghệ mà Zhang áp dụng cho nhà máy sản xuất trứng của mình đến từ Black Lake Technologies, một công ty được thành lập bởi Zhou Yuxiang, người có hơn 1.000 khách hàng thuộc nhóm "phú nhị đại".

"Trong những thập kỷ qua, mô hình của nhiều nhà máy Trung Quốc dựa trên tăng trưởng doanh thu, vì vậy rất ít trong số họ chú ý đến hiệu quả sản xuất hoặc số hóa", Zhou cho biết. "Họ thường quản lý các hoạt động kinh doanh bằng sổ sách truyền thống. Các nhà máy cao cấp thì sử dụng Excel, nhưng chỉ có vậy".

Tian Weihua, một học giả chuyên về nâng cấp sản xuất tại Viện Nghiên cứu Đổi mới Khoa học và Công nghệ, một cơ quan cố vấn của chính phủ Trung Quốc, cho biết sự hiểu biết về công nghệ và kinh nghiệm học tập và làm việc tại nước ngoài của nhiều người trẻ mang đến cho họ cơ hội tốt hơn so với cha mẹ mình để duy trì tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong một thời đại mới.

Nhưng "nâng cấp công nghệ không giúp khắc phục mọi khó khăn", chuyên gia Tian Weihua nói, đồng thời cho biết thêm rằng sẽ cần có các bước tiếp theo, bao gồm cả đổi mới sản phẩm.

Không phải tất cả những "phú nhị đại" tiếp quản gia đình đều gặt hái thành công.

Sau khi học thiết kế dệt may tại Đại học Nghệ thuật ở London, Zhang Ying, 29 tuổi, đã tiếp quản nhà máy may của gia đình cô ở thành phố Ninh Ba kể từ năm 2017.

Nhưng công việc kinh doanh liên tục gặp khó khăn. Chi phí nhân công đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một thập kỷ, lên hơn 7.000 nhân dân tệ một tháng. Trong khi đó, nguồn công nhân, chủ yếu là người nhập cư từ các tỉnh lẻ, ngày càng thiếu hụt. Zhang không dám sa thải những người đang làm việc cho mình.

Năm ngoái, Zhang nghỉ việc để sinh con và để người khác phụ trách công việc của nhà xưởng. Cô không có ý định quay trở lại.

"Đó là một áp lực quá lớn và bất ngờ. Tôi bị nổi mề đay do căng thẳng và cần phải dùng thuốc trong một năm, vì vậy tôi bỏ cuộc", Zhang nói.

Theo Reuters
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.