Thông qua Mạng lưới Hỗ trợ Nhà báo Người tị nạn Trung Mỹ do Văn phòng UNESCO ở Costa Rica ra mắt vào tháng 12/2020, hơn 25 nhà báo đã tham gia các phiên hỗ trợ tâm lý hàng tháng. Là nạn nhân của những hoạt động trừng phạt, bắt cóc, cố gắng giết người, đe dọa và tấn công trên nền tảng kỹ thuật số, nhiều nhà báo trong số này đã buộc phải rời bỏ quê hương để bảo vệ bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, ngay cả khi đang cư trú ở những địa điểm an toàn hơn, họ vẫn phải vật lộn với những bóng ma tâm lý bao gồm chứng rối loạn căng thẳng, các cơn hoảng sợ triền miên, ác mộng đeo đẳng liên quan đến các cuộc tấn công trước đó.
Theo một nhà báo tị nạn, các buổi gặp hàng tháng “giúp tôi nhận ra rằng tôi không phải là người duy nhất đã có những trải nghiệm khiến bản thân rơi vào tình trạng xung đột về tình cảm, tâm lý, xã hội, thể chất và tinh thần. Đồng thời giúp tôi có thêm năng lượng để làm những điều mới mẻ và xóa bỏ những hạn chế ngăn cản bản thân đạt được mục tiêu của mình."
Một người tham gia khác cũng chia sẻ cảm xúc tương tự, nhận định rằng các buổi hỗ trợ đã giúp cô không còn cảm thấy đơn độc, có thể mở lòng và tạo mối quan hệ với các đồng nghiệp đồng cảnh ngộ, "Tôi cũng nhận được rất nhiều động lực và sự khích lệ từ các đồng nghiệp của mình…”
Tại các buổi hỗ trợ, những nhà báo tham gia có thể trút bỏ và nêu ra những vấn đề hoặc kinh nghiệm mà họ khó lòng nói ra, cũng không thể tự mình giải quyết…
Ngoài việc tập trung hỗ trợ tâm lý, Mạng lưới Hỗ trợ Trung Mỹ còn chú trọng thúc đẩy và xây dựng tình đoàn kết giữa các nhà báo tị nạn và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực liên quan đến tự do ngôn luận. Sáng kiến dựa trên sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và được liên kết với nhiệm vụ của UNESCO về việc thúc đẩy tự do báo chí và tự do ngôn luận, cũng như vai trò điều phối của UNESCO trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động của Liên hợp quốc về An toàn Nhà báo và vấn đề miễn trừ trách nhiệm.