Dãy Himalaya, bao gồm đỉnh Everest, vẫn đang tiếp tục quá trình nâng lên không ngừng kể từ khi hình thành cách đây khoảng 50 triệu năm. Khi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm với lục địa Á-Âu, đỉnh Everest đang cao lên nhanh hơn dự kiến. Các nhà khoa học hiện tìm ra lý do, liên quan đến sự hợp nhất đáng kể của hai hệ thống sông gần đó.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, Everest đã cao thêm khoảng 15-50 mét do sự thay đổi hệ thống sông trong khu vực, xuất phát từ việc sông Kosi hợp nhất với sông Arun cách đây khoảng 89.000 năm. Điều này tương đương với tốc độ nâng cao khoảng 0,2-0,5 mm mỗi năm.
Ảnh chụp từ trên không núi Everest. Ảnh: Desmond Boylan. |
Các nhà khoa học cho biết quá trình địa chất đang diễn ra được gọi là “sự phục hồi đẳng tĩnh”. Hiện tượng này liên quan đến việc các khối đất trên vỏ Trái Đất nâng lên khi trọng lượng bề mặt giảm đi. Lớp Vỏ, lớp ngoài cùng của Trái đất, về cơ bản nổi trên một lớp manti được cấu tạo từ đá nóng chảy bán lỏng.
Với việc hợp nhất của hai con sông, sông Kosi chiếm ưu thế và thay đổi dòng chảy của sông Arun theo thời gian, dẫn đến quá trình xói mòn mạnh mẽ. Hiện tượng này đã cuốn trôi một lượng lớn đá và đất, làm giảm đáng kể trọng lượng của khu vực lân cận đỉnh Everest.
"Sự phục hồi đẳng tĩnh có thể được ví như một vật nổi điều chỉnh vị trí khi trọng lượng bị loại bỏ," Jin-Gen Dai, nhà địa chất học tại Đại học Địa chất Trung Quốc cho biết.
"Khi một vật thể lớn, chẳng hạn như băng hoặc đá bị xói mòn, được loại bỏ khỏi vỏ Trái Đất, phần đất bên dưới từ từ nâng lên để thích ứng, giống như một con thuyền nổi lên trong nước khi hàng hóa được dỡ xuống," Dai nói thêm.
Hẻm núi chính của hệ thống sông đã hợp nhất nằm cách đỉnh Everest khoảng 45 km về phía đông. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình số để mô phỏng quá trình phát triển của hệ thống sông. Họ ước tính hiện tượng “phục hồi đẳng tĩnh” đóng góp khoảng 10% vào tốc độ nâng hàng năm của đỉnh Everest.