Nghiên cứu mới được công bố ngày 23/11 cho biết, các nhà khoa học dùng đến kỹ thuật chỉnh sửa gen để thêm vào hoặc thay thế gen từ loài muỗi Anopheles stephensi, vốn lây truyền bệnh sốt rét tại các vùng hẻo lánh ở Ấn Độ
Các nhà khoa học đưa DNA qua các dòng vi khuẩn, đến phần tế bào lưu trữ cấu trúc gen từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó, một loài muỗi mới với gen ngăn việc lây truyền bệnh sốt rét hiệu quả đến 99,5 phần trăm trong mùa sinh sản.
Loài muỗi Anopheles stephensi đang hút máu người. Ảnh: Reuters. |
"Biện pháp này có thể lan truyền với hiệu quả cao, tăng từ 1 phần trăm lên 99 phần trăm trong 10 thế hệ hay trong một mùa sinh sản", nhà sinh vật học Valentino Gantz thuộc trường Đại học California nói.
Nhà sinh vật học Ethan Bier gọi đây là "công cụ để kiểm soát bệnh sốt rét" bởi tất cả những loài muỗi sống trong khu vực sẽ sớm mang gen phòng bệnh.
"Chúng tôi không tự tin tuyên bố chiến lược này sẽ giúp tiêu diệt hoàn toàn bệnh sốt rét", nhà sinh vật học Anthony James chia sẻ.
Nhưng với sự kết hợp của việc điều trị và phòng ngừa bằng các loại thuốc, vaccine trong tương lai, móc màn ngăn muỗi hay loại bỏ nơi chúng sinh sản, biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc loại trừ bệnh sốt rét.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học tìm cách biến đổi gen loài muỗi. Một nhóm nghiên cứu năm ngoái để tìm cách thay đổi cấu trúc gen để toàn bộ muỗi trong mùa sinh sản đều là con đực, nhằm hạn chế số lượng muỗi trong quần thể tự nhiên.
"Biện pháp của chúng tôi linh hoạt hơn vì chỉ ngăn muỗi lây truyền bệnh sốt rét mà không đe dọa đến chúng. Ít nhất, nó sẽ không dẫn đến những tác động về sinh thái", Bier cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 214 triệu ca nhiễm sốt rét trên toàn cầu trong năm 2015 và khoảng 438.000 trường hợp tử vong, chủ yếu ở châu Phi hạ Sahara.