Các rạp phim CGV thu gần 5 tỷ đồng mỗi ngày

(Ngày Nay) - Với 38 cụm rạp và 247 phòng chiếu, chuỗi rạp chiếu phim CGV Việt Nam đã thu về 1.823 tỷ đồng doanh thu năm 2016, lãi gấp 3 lần cùng kỳ.
Lợi nhuận của CGV Việt Nam năm 2016 đạt hơn 93 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.
Lợi nhuận của CGV Việt Nam năm 2016 đạt hơn 93 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.

Sau nhiều năm lợi nhuận liên tục sụt giảm, Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV VN) - đơn vị sở hữu chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất cả nước, chiếm quá nửa thị trường chiếu phim Việt Nam vừa ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2016 tăng trưởng đột biến. Hồi giữa năm ngoái, đơn vị này cùng các doanh nghiệp phát hành phim trong nước từng xảy ra khiếu nại liên quan đến tỷ lệ ăn chia doanh thu.

Cụ thể, CGV Việt Nam đạt hơn 1.823 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm 2016, tăng 3,3% so với kết quả đạt được năm 2015 và tương đương doanh thu thu về gần 5 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 93,36 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2015, đồng thời kết thúc chuỗi thời gian sụt giảm lợi nhuận liên tục kể từ khi chia tay thương hiệu Megastar.

Tính đến hết năm 2016, đơn vị này đã nâng tổng số cụm rạp tại Việt Nam lên 38, với 247 phòng chiếu, tăng lần lượt 8 cụm rạp và 51 phòng chiếu so với cuối năm 2015. Thương hiệu cũng chiếm quá nửa thị phần chiếu phim tại Việt Nam.

Năm 2011, tập đoàn đến từ Hàn Quốc - CJ CGV đã bỏ ra 73,6 triệu USD mua lại 80% cổ phần của Megastar, chủ sở hữu hệ thống rạp phim lớn nhất tại Việt Nam khi đó và đổi tên thành CGV.

Mức giá được đánh giá là khá cao bởi, Megastar lúc ấy chỉ mới bắt đầu có lãi và doanh thu ở mức khiêm tốn. Năm 2011, Megastar đạt gần 600 tỷ đồng doanh thu dù chiếm thị phần chiếu phim trên 50%, lợi nhuận gần 40 tỷ đồng.

Sau khi "về tay" của CJ CGV, chuỗi rạp chiếu phim này ghi nhận mức tăng trưởng đột biến trong 2 năm 2012 và 2013. Năm 2012 doanh thu của đơn vị này tăng lên gần 870 tỷ và đạt mức 1.102 tỷ vào năm 2013. Mức lợi nhuận 2 năm này duy trì khoảng gần 120 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với trước đó.

Mặc dù vậy, những năm tiếp sau, lợi nhuận của CGV Việt Nam đột nhiên giảm mạnh, dù doanh thu vẫn duy trì và tăng trưởng đều. Năm 2014, CGV Việt Nam đạt gần 1.100 tỷ đồng doanh thu, mức tương đồng với năm 2013 nhưng lợi nhuận giảm hơn 40% còn gần 70 tỷ đồng. Đến năm 2015, số thu tăng hơn 60%, lên 1.764 tỷ nhưng lợi nhuận tiếp tục sụt giảm tới 55% còn 31,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân được đưa ra là do biến động tỷ giá và việc tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cụm rạp chiếu tại Việt Nam. Đơn vị này là đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ như UPI, Pixar, Disney hay Warner Bros, ngoài ra cũng được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam. Nguồn phim chủ yếu là nhập từ các đơn vị sản xuất nước ngoài.

Đến năm 2016, kết quả kinh doanh của CGV Việt Nam đã có sự xoay chiều đáng kể với lợi nhuận gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2015 mặc dù tăng trưởng doanh thu đã chững lại.

Giữa năm 2016, cũng chính bởi việc chi phối và độc quyền nhiều phim "bom tấn", 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội điện ảnh, khẳng định đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp. 

Đáp lại những phản ứng này, CGV cho rằng tỷ lệ này phụ thuộc vào chất lượng phim, số lượng rạp và số lượng phòng chiếu của đơn vị phát hành mà CGV và bên liên quan cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng với từng đơn vị phát hành. Theo đó, đơn vị chiếu phim có số lượng rạp và phòng chiếu cao hơn, giá vé cao hơn sẽ mang về lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất mặc dù tỷ lệ phân chia có thể chênh lệch 5-10%.

Tính tới cuối năm 2016, CGV Việt Nam có vốn điều lệ 8 triệu USD, tương đương khoảng 180 tỷ đồng, trong đó một đơn vị của Việt Nam là Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (Mã CK: PNC) đang sở hữu 20% vốn.

Riêng trong năm 2016, lợi nhuận từ CGV Việt Nam đóng góp vào kết quả kinh doanh của Văn hóa Phương Nam, tính theo tỷ lệ sở hữu cổ phần đạt 18,67 tỷ đồng. Giá trị hợp lý cho khoản đầu tư vào đơn vị này của Văn hóa Phương Nam đến cuối năm 2016 đạt 87,39 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với giá gốc khoản đầu tư.

Theo Vnexpress
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).