Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 16 giờ ngày 30-10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ vĩ bắc; 110,5 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 đến 9, giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trên Biển Ðông trong 24 giờ tới là phía bắc vĩ tuyến 10,5 độ vĩ bắc.Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng tây, mỗi giờ đi được từ 15 đến 20 km.
Từ khoảng chiều đến đêm 30-10 bão đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Ðịnh đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu thành ATNÐ, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía đông Cam-pu-chia. Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực bắc và giữa Biển Ðông và vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Từ sáng và ngày 30-10, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 4-7 m; biển động rất mạnh; ở nam Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
★Ngày 29-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT) có Công điện số 16 đề nghị Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Cụ thể, thông báo cho thuyền trưởng, chủ tàu, thuyền trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, các đơn vị nói trên cần quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm để kịp thời xử lý các tình huống xấu; kiểm tra thường xuyên, liên tục lồng bè, cơ sở nuôi trồng thủy, hải sản; rà soát khách du lịch tại các nơi có thể ảnh hưởng bởi bão.
★Tại hội nghị chỉ đạo ứng phó bão số 5 trên Biển Ðông do Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT tổ chức sáng 29-10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Bão sẽ gây mưa lớn ở khu vực miền trung và Tây Nguyên, vì vậy các bộ, ngành, địa phương phải chủ động trong công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Ðặc biệt phải chú ý hệ thống hồ thủy điện, thủy lợi bảo đảm an toàn cho sản xuất và các hoạt động khác.
★Theo dự báo, từ ngày 30 và 31-10, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to với tổng lượng mưa 300 đến 400 mm/đợt, riêng Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa 400 đến 600 mm/đợt. Từ ngày 4 đến 5-11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ. Các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Ðịnh, Khánh Hòa lên mức báo động (BÐ) 2 - BÐ 3, có sông trên BÐ 3; trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên lên mức BÐ 1- BÐ 2,
có sông trên BÐ 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao ở vùng núi các tỉnh trên.
★Ðài Khí tượng - Thủy văn Trung Trung Bộ phát tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại thành phố Ðà Nẵng và các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Ðặc biệt, từ ngày 30-10, trên sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Ðà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ có khả năng lên mức BÐ2 - BÐ3. Nguy cơ xảy ra lũ quét ở vùng núi, tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu.
★Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, bão số 5 sẽ kết hợp nước dâng do triều cường, dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực Nam Bộ , trong đó có TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tại TP Hồ Chí Minh, khả năng mức độ ngập do triều cường dự kiến khoảng 1,7 m.
★Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT), tính đến chiều 29-10, trong khu vực có khả năng ảnh hưởng do bão số 5 hiện có 144.111 ô, lồng nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Ðịnh. Chính quyền và lãnh đạo ngành thủy sản các địa phương nói trên đã tổ chức rà soát, vận động các hộ dân gia cố, chằng néo, di chuyển nhiều lồng bè nuôi vào nơi an toàn, đặc biệt không để người ở trong lồng, bè khi bão đổ bộ.
★Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN và PTNT), đến chiều 29-10, các hồ khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đang vận hành bình thường, không có hồ chứa xả tràn, trong đó mực nước các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ đang ở mức rất thấp, dung tích bình quân đạt từ 57-89%. Toàn vùng hiện còn 41 hồ chứa đang hư hỏng và 107 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp, cần chú ý khi bão số 5 đổ bộ và gây mưa lớn.
★Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến ngày 29-10, lực lượng biên phòng tuyến biển đã phối hợp các cơ quan chức năng, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 44.968 tàu, thuyền với hơn 209 nghìn lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 5 để di chuyển tránh bão, trong đó, toàn vùng vẫn có 741 tàu, thuyền đang trong vùng nguy hiểm. Ðến chiều 29-10, đã có 44.227 tàu, thuyền di chuyển tránh bão hoặc về bờ neo đậu tại bến an toàn.
★Từ ngày 28-10, ngành nông nghiệp các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã khuyến cáo chính quyền cơ sở, hợp tác xã vận động nông dân tranh thủ thu hoạch nhanh các diện tích lúa sắp chín, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão và mưa, lũ gây ra. Ðến chiều 29-10, tổng hợp từ ngành nông nghiệp các địa phương cho thấy, hiện diện tích lúa chưa thu hoạch ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ là 68 nghìn ha, vùng Tây Nguyên là khoảng 120 nghìn ha.
★Ngày 29-10, Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh Bình Ðịnh, Quảng Ngãi phát đi công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương triển khai, thực hiện ngay những nhiệm vụ để chủ động đối phó bão, lũ, yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá trên biển thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu để xử lý kịp thời các tình huống xấu; sẵn sàng di dời dân ở các khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập do triều cường kết hợp với nước biển dâng do bão.
★Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, đến chiều 29-10, toàn tỉnh có 345 tàu cá/1.924 lao động trên các vùng biển, trong đó 232 tàu trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, DK1; 113 tàu hoạt động gần bờ trên vùng biển các tỉnh từ Bình Ðịnh đến Ninh Thuận. Tất cả các chủ tàu trên đều đã nhận được thông tin và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
★Tại tỉnh Khánh Hòa đến chiều 29-10 có 9.979 tàu cá với khoảng 33.000 lao động trên biển, trong đó 142 tàu hoạt động đánh bắt ở các vùng biển Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trường Sa… Các cơ quan chức năng đã thông báo và hướng dẫn cho tất cả chủ tàu di chuyển tránh bão.
★Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 50 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó có ba hồ thủy lợi với dung tích hơn 10 triệu m3 là hồ Phú Xuân, Suối Vực và Ðồng Tròn. Mực nước các hồ này đến ngày 29-10 phổ biến từ 30-40% so với thiết kế… Ban Chỉ huy PCLB các cấp đã chỉ đạo các chủ hồ cắt cử lực lượng ứng trực 100% để bảo đảm công tác điều tiết nước an toàn.
★Tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn còn nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng bồi tụ phía bờ nam và sạt lở bờ bắc của sông Trà Bồng đoạn qua địa bàn xã Bình Minh diễn ra ngày càng nhiều, còn hơn 400 m ven sông Trà Bồng, thuộc khu vực thôn Tân Phước cần được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở.
★UBND huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên - Huế) cho biết, hiện nay tuyến đê tây phá Tam Giang bị hư hỏng nhiều đoạn; với 2,6 tỷ đồng được tỉnh hỗ trợ chỉ mới sửa chữa, khắc phục một số đoạn qua xã Quảng An. Hệ thống trạm bơm Bàu Ban tại xã Quảng An được xây dựng từ 20 năm trước cũng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu úng cho hàng trăm héc-ta sản xuất nông nghiệp.
★Theo dự báo của Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 31-10, mực nước tại Ðại Ngãi sẽ đạt mức 2,05 đến 2,15 m. Ðây là đỉnh triều cao so với trung bình nhiều năm trở lại đây, khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và an toàn của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực, tuyến dân cư giáp sông, rạch và ở các huyện, xã cù lao.