1. Để trở thành một sản phẩm du lịch thì không chỉ có sự hấp dẫn của chính điểm đến đó mà còn đòi hỏi phải hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, cảnh quan, vệ sinh môi trường, chất lượng phục vụ, văn hóa ứng xử. Chính vì vậy, tự hào là địa phương có tới 1.395 di tích văn hóa lịch sử trong đó 134 di tích được xếp hạng quốc gia nhưng ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở VHTT&DL Nghệ An trăn trở: Chỉ có vài chục di tích khai thác được du lịch. Nhiều di tích gặp khó khăn do chưa có đường vào. Nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư vào du lịch Nghệ An vì khí hậu mưa nhiều, nắng lắm và lại chỉ khai thác được một mùa.
Một câu chuyện đáng suy ngẫm: đền thờ Quang Trung được đầu tư xây dựng to đẹp ngay TP Vinh lại không thu hút nhiều khách bằng di tích đền Hoàng Mười dù nhỏ bé cách đấy không xa. Ở đây bên cạnh yếu tố tâm linh, tín ngưỡng thì nói rộng ra, quảng bá du lịch phải đi trước một bước là điều cần đặt ra.
2. Năm Du lịch quốc gia 2015 thật sự là cơ hội thuận lợi để du lịch Thanh Hóa có bước chuyển mình với 20 dự án du lịch được triển khai đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 8.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, là dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao FLC Sầm Sơn với tổng số vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng, được coi là điểm nhấn của du lịch xứ Thanh, với hàng loạt công trình đạt đẳng cấp quốc tế như: khu khách sạn gần 600 phòng nghỉ, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng, resort, bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam... Trong giai đoạn 2, FLC sẽ hoàn thiện hạ tầng và trung tâm thương mại, hy vọng có thể thu hút du khách quanh năm.
Du lịch Sầm Sơn. |
Một điều đáng nói nữa: Du lịch Sầm Sơn trong vài năm lại đây đã có sự đổi thay đáng kể về hạ tầng, cảnh quan, an ninh trật tự… nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền nhất là sự thay đổi, trẻ hóa cán bộ chủ chốt. Lãnh đạo UBND thị xã Sầm Sơn cho biết đang triển khai hàng loạt hạng mục làm đẹp cảnh quan thị xã, đáng kể là dự án cải tạo đường Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, ông Trịnh Huy Triều, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn thừa nhận: Du lịch Sầm Sơn chưa khắc phục được tính mùa vụ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thời gian đón khách trong năm hiện nay chỉ được từ 80-100 ngày, vì vậy việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực là khó khăn, hiệu quả chưa cao.
3. Trong khi đó, với Nghệ An, những nỗ lực thời gian gần đây đã góp phần tăng trưởng lượng khách và doanh thu du lịch. Một số cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf 18 lỗ đã được đưa vào khai thác ở biển Cửa Lò và Nghi Lộc… Dù vậy, nguồn lực cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Một số ý kiến cho rằng, Nghệ An nên huy động nguồn lực từ chính những nhà đầu tư là người Nghệ An ở khắp mọi miền đất nước. Trong tuyên truyền quảng bá du lịch bên cạnh các phương tiện truyền thông, địa phương cũng nên chú ý tới loại hình điện ảnh, có sức lan tỏa sâu rộng không kém.
Gần đây hiệu ứng du lịch từ bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" quay ở Phú Yên là một thí dụ sinh động. Nhà báo Bùi Thế Vịnh - Giám đốc Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch đề xuất: Nên chăng, xây dựng một bộ phim sâu sắc về dân ca ví giặm để quảng bá cho du lịch Nghệ An.
Xem thêm:
Cánh đồng hoa hướng dương ở Nghệ An - Điểm đến không thể bỏ lỡ trong tháng 11
Du lịch Tây Nguyên chiêm ngưỡng sắc hoa dã quỳ đẹp đến nao lòng