Cận cảnh giang hồ Youtube - Bài 4: Giữa đôi bờ “thực - ảo”

(Ngày Nay) - Chưa bao giờ thế giới ảo lại có thể gần đời thực đến như vậy. Những giang hồ vào tù ra tội, nói tục chửi thề, bay lắc thác loạn, bỗng một ngày lại có hàng ngàn, hàng triệu người dõi theo, hâm mộ trên Youtube. Những kẻ lan truyền bạo lực, lối sống bất cần buông thả, vi phạm pháp luật, lại có thể lên mạng giáo điều về đạo lý làm người. Là thị hiếu của người trẻ đang quá dễ dãi, hay xã hội đang quá dễ dãi cho những điều lệch chuẩn lên ngôi?

Giang hồ ảo, hiểm họa thật

Hiện tượng một bộ phận giới trẻ lại đi tôn sùng những nhân vật như: Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Phú Lê, Dương Minh Tuyền… khiến cho phụ huynh và các nhà giáo dục không khỏi lo lắng về sự lệch chuẩn trong suy nghĩ của giới trẻ. Khi lời nói thô tục, hành động bạo lực lại được tung hô theo kiểu “tuy thô mà thật”, chứng tỏ, các em đang bị khủng hoảng niềm tin và các giá trị sống. Dẫn đến tiêu cực trong suy nghĩ, thích thể hiện mình một cách bột phát và bản năng như những “thần tượng giang hồ Youtube”.

Nói về vấn đề này, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM cho biết, cần xem “giang hồ Youtube” là hiểm họa. Vì hiện tượng này tác động đến tâm lý, tinh thần của đám đông theo chiều hướng tiêu cực, và có nguy cơ ảnh hưởng đến các giá trị của con người. Một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ lại thích suy tôn giang hồ mạng, chính là sức ép từ sự chuẩn mực hóa quá nhiều thứ từ xã hội.

Cận cảnh giang hồ Youtube - Bài 4: Giữa đôi bờ “thực - ảo” ảnh 1

GS.TS Huỳnh Văn Sơn Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM. Ảnh: NVCC

GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Ở độ tuổi “nổi loạn”, các em thường không thể chịu đựng quá nhiều sức ép. Căng thẳng về học hành, bị người lớn gò bó, hoang mang về tương lai dễ khiến các em rơi vào xu hướng dễ chấp nhận những kiểu nổi tiếng một cách dễ dàng, không cần tài năng, không cần rèn luyện khắc nghiệt. Khi thần tượng các “giang hồ ảo”, các em nghĩ rằng mình đang được bảo vệ. Cuộc sống này dễ dẫn đến sự định vị cá nhân sai, ảo tưởng về chính mình, ngỡ ngàng giữa giá trị thật và ảo trong cuộc sống...”

Cũng theo GS. TS Huỳnh Văn Sơn, xu hướng thích thể hiện mình là anh hùng trên mạng xã hội của giới trẻ thực sự rất đáng lo ngại. “Giang hồ mạng thường thể hiện mình là anh hùng để được nhiều người ngưỡng mộ, yêu quý. Ngoài mang lại cảm giác thỏa mãn bản thân, thể hiện tầm ảnh hưởng của mình với người khác, còn mang đến những lợi ích liên quan đến kinh doanh, tài chính,… Vì thế, không chỉ giới trẻ dễ bị kéo theo, mà ngay cả người lớn cũng dễ bị sa đà trước những lợi ích thu được từ việc làm “anh hùng mạng, giang hồ Youtube”. Nhưng các minh chứng cho thấy, nổi tiếng ảo, bất chấp để nổi tiếng là bước đệm để biến các hành động ảo thành thực tế. Nghĩa là bạo lực trên mạng ảo, là tiền đề để thôi thúc bạo lực trong đời thực. Chính điều này, làm cho “giang hồ mạng, giang hồ Youtube” mang đến những hệ lụy phức tạp, rất khó đánh giá hết được với cả xã hội và mỗi cá nhân”, ông Huỳnh Văn Sơn phân tích.

Chỉ có thể “phòng ngừa”, khó xử lý triệt để

Cũng cho rằng, “giang hồ Youtube” là hiểm họa khó lường đối với xã hội, Luật sư Lê Trung Phát, Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, với hệ thống pháp luật hiện tại, rất khó để xử lý triệt để hiện tượng này. “Giang hồ Youtube, giang hồ mạng” chỉ có thể bị xử lý theo Luật An ninh mạng, hay Bộ luật Hình sự khi họ có hành động xúc phạm danh dự nhân phẩm đối với cá nhân/tổ chức hoặc có ý định đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của của người khác, hoặc phá hoại thuần phong mỹ tục, đạo đức của xã hội. Những “giang hồ Youtube” bị tù tội, đa phần là do phạm tội ở bên ngoài, còn trên thế giới ảo, thường dừng ở mức phạt hành chính”, Luật sư Lê Trung Phát phân tích.

Cận cảnh giang hồ Youtube - Bài 4: Giữa đôi bờ “thực - ảo” ảnh 2

Luật sư Lê Trung Phát. Ảnh: NVCC

“Pháp luật vốn dĩ cũng chỉ là một trong những công cụ điều chỉnh hành vi của con người. Tôi nghĩ biện pháp phòng ngừa tốt nhất là “tăng sức đề kháng” cho giới trẻ trước những trào lưu xấu xí”, Luật sư Lê Trung Phát nhấn mạnh. Cũng bàn về vấn đề “tăng sức đề kháng tinh thần” cho người trẻ, Ths Chuyên ngành Xã hội học Phạm Hoài Ngọc Bích, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Gia đình, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết, mỗi cá nhân trong xã hội đều phải trải qua quá trình xã hội hóa cá nhân, tức là quá trình mà cá nhân học cách thích ứng với xã hội. Quá trình đó sẽ lần lượt diễn ra trong ba môi trường xã hội hóa cơ bản là gia đình, nhà trường và xã hội.

Ths Phạm Hoài Ngọc Bích chia sẻ: “Trước khi nói đến “sức đề kháng của người trẻ” có lẽ chúng ta nên nhắc đến vai trò của những môi trường xã hội hóa có chức năng giúp người trẻ nhìn nhận và xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, theo đuổi những giá trị sống tốt đẹp. Làm cha mẹ trong bối cảnh xã hội hiện nay không chỉ là nuôi dưỡng, dạy dỗ mà cha mẹ cần trở thành người bạn thật sự của con mình. Với môi trường xã hội hóa nhà trường, theo tôi trong nội dung chương trình giảng dạy, nhất là bậc tiểu học, nhà trường cần tăng cường những câu chuyện giản đơn, dễ hiểu nhưng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ở cấp độ xã hội, xã hội cần xây dựng những thần tượng thật sự có những cống hiến trong nhiều lĩnh vực và đóng góp những giá trị đích thực cho xã hội của họ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng”.

“Cần nhìn nhận một cách thật khách quan rằng: trẻ em không tự nhiên mà trở nên hư hỏng. Theo tôi, khi người trẻ được trải qua một quá trình xã hội hóa cá nhân lành mạnh và đúng nghĩa thì cái xấu ít có cơ hội xâm nhập vào tư tưởng và lối sống của các em. Tức là, khi đó, tự các em sẽ có sức đề kháng với những trào lưu tiêu cực’, Ths Phạm Hoài Ngọc Bích kết luận.

Đầy đủ cơ chế để phòng ngừa “giang hồ Youtube”

Luật sư Lê Trung Phát nhận định, ở góc độ luật pháp, việc cơ quan chức năng phối hợp cùng Youtube hạn chế những nội dung độc hại là cần thiết và đúng luật lệ. Luật sư Lê Trung Phát chia sẻ: “Theo quy định của Luật An Ninh mạng, nhằm đảm bảo cho các hành vi mà luật nghiêm cấm, các cơ quan chức năng có quyền thực hiện các biện pháp “phòng ngừa”. Vì vậy, trong chức năng nhiệm của họ, họ có quyền làm việc với các nhà mạng, các đơn vị cung cấp, khai thác dịch vụ trên nền tảng khoa học, viễn thông. Thông qua đó, sẽ cùng thống nhất đưa ra hoặc thay đổi các chính sách hiện có, để làm tốt công tác phòng ngừa. Như vậy, cơ chế thực hiện thì đã có, giờ chỉ cần các cơ quan chức năng triển khai tốt hơn mà thôi”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.