Cần khoản hỗ trợ gần 6.600 tỷ đồng để giải quyết nhà ở cho người có công

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, số liệu các hộ gia đình có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở trên cả nước vẫn rất lớn, do phát sinh hàng năm.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Hơn 150.400 hộ cần hỗ trợ về nhà ở

Đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh trong giai đoạn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nhà cho người có công với cách mạng.

Trong số đó, có khoảng 259.000 người có công đã được hỗ trợ (hỗ trợ khi mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; hỗ trợ khi được giao đất làm nhà ở; hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; hỗ trợ bằng nhà tình nghĩa) với tổng số kinh phí được hỗ trợ khoảng gần 3.600 tỷ đồng theo Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996.

Khoảng 8.800 người có công được hỗ trợ (miễn giảm khi mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; hỗ trợ kinh phí 25 triệu đồng/người…) với tổng số kinh phí được hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng, theo Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007.

Tương tự, có khoảng 340.000 hộ người có công đã được hỗ trợ (hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ để xây dựng mới nhà ở hoặc 20 triệu đồng/hộ để sửa chữa nhà ở), với tổng kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 8.873 tỷ đồng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở.

Tuy vậy, qua tổng hợp số liệu theo báo cáo, đề xuất của các địa phương trên cả nước, Bộ Xây dựng ghi nhận tính đến ngày 30/6/2022, cả nước vẫn còn 150.439 hộ cần hỗ trợ về nhà ở; trong đó có tới 69.456 hộ cần xây mới nhà ở và 80.983 hộ cần sửa chữa, cải tạo lại nhà ở.

Cần số vốn hỗ trợ lên tới 6.598 tỷ đồng

Theo tính toán về suất đầu tư xây dựng năm 2020 (Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/1/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2020), một căn nhà ở riêng lẻ 1 tầng, tường bao xây gạch, mái tôn có suất vốn đầu tư là 1,82 triệu đồng/m2 sàn; một căn nhà ở riêng lẻ 1 tầng, căn hộ khép kín, kết cấu tường gạch chịu lực, mái bê tông cốt thép đổ tại chỗ là 4,78 triệu đồng/m2 sàn.

Như vậy, để xây dựng mới căn nhà 1 tầng diện tích 30m2 có tuổi thọ tối thiểu 20 năm tại thời điểm hiện nay, theo tính toán của Bộ Xây dựng, chi phí vật liệu và nhân công sẽ rơi vào khoảng từ 58,2 triệu đồng đến 152,8 triệu đồng (trong khi mức trung bình vào từ 90-120 triệu đồng).

Nếu ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 2/3 giá thành xây dựng căn nhà thì mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng mới một căn nhà khoảng từ 60-80 triệu đồng. Với những hộ mà nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chỉ cần sửa chữa tường, thay mái nhà thì ngân sách nhà nước hỗ trợ với mức 30-40 triệu đồng/căn.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương tính đến 30/6/2022,cũng cho thấy phần lớn các địa phương đề xuất mức hỗ trợ trên 60 triệu đồng/hộ để xây mới nhà ở và trên 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở. Riêng 4 địa phương là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Dương chưa báo cáo.

Trên cơ sở nguyên tắc hỗ trợ có sự kết hợp giữa Nhà nước, đối tượng được hỗ trợ và sự tham gia đóng góp thêm của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ trong việc thực hiện chính sách,… Bộ Xây dựng đề xuất mức hỗ trợ đối với trường hợp xây mới nhà ở là 60.000.000 đồng/hộ; trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở là 30.000.000 đồng/hộ.

Nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở từ ngân sách trung ương và địa phương.

Như vậy, với hơn 150.400 hộ gia đình cần hỗ trợ về nhà ở kể trên, phía Bộ Xây dựng dự kiến tổng số vốn hỗ trợ trực tiếp từ Ngân sách nhà nước có thể sẽ lên đến 6.598 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương bố trí khoảng 6.005 tỷ đồng và ngân sách địa phương bố trí khoảng 593 tỷ đồng.

Do đó, Bộ Xây dựng đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương để các địa phương thực hiện../.

TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.