TP.HCM thiếu vắng nhà ở giá rẻ: Bài học nhìn từ Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chính quyền Bình Dương chủ trương xã hội hóa với nhiều chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở vừa túi tiền cho người lao động. Do đó, địa phương này trở thành tỉnh có thành tựu phát triển nhà ở xã hội đứng đầu cả nước.
Bình Dương là tỉnh công nghiệp, do đó nhu cầu nhà ở dành cho người lao động, đặc biệt là dân nhập cư rất lớn.
Bình Dương là tỉnh công nghiệp, do đó nhu cầu nhà ở dành cho người lao động, đặc biệt là dân nhập cư rất lớn.

Như Ngày Nay đã thông tin, trên thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua, nguồn cung loại hình nhà ở xã hội ngày càng sụt giảm nghiêm trọng. Dù Chính phủ và chính quyền TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhưng tình hình không được cải thiện và thậm chí, loại hình bất động sản này gần như biến mất tại TP.HCM từ 2 năm qua.

Là địa phương nằm sát TP.HCM nhưng tình hình phát triển nhà ở xã hội tại Bình Dương lại hoàn toàn trái ngược. Với nhiều hành động thiết thực, trong giai đoạn 2016 – 2020, Bình Dương đã phát triển khoảng 1,33 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hơn 100.000 người. Đây cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về thành tựu đạt được trong phát triển nhà ở xã hội.

Phát triển kinh tế đi kèm với áp lực gia tăng dân số

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong những năm qua, địa phương này tiếp tục duy trì sự phát triển vững chắc về kinh tế. Đây cũng là một trong những địa phương có tổng thu ngân sách lớn nhất trong cả nước, trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng, là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) duy trì ở mức bình quân hàng năm 9,04%, cao hơn giai đoạn 2011 – 2015 (8,02%). Giá trị GRDP toàn tỉnh tăng từ 265.000 tỷ đồng năm 2016 lên 389.000 tỷ đồng năm 2020, trong đó lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm đến gần 90%.

Việc tăng trưởng kinh tế tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân tỉnh Bình Dương và người lao động khắp cả nước, kéo theo áp lực gia tăng dân số. Bình Dương là địa phương có lượng người lao động nhập cư tăng cao và tốc độ tăng trưởng cơ học ở mức cao nhất so với cả nước. Năm 2016, dân số toàn tỉnh ở mức 2,13 triệu người thì đến năm 2019, dân số đã tăng lên 2,46 triệu, trung bình mỗi năm tăng hơn 100.000 người, cao hơn mức dự báo.

Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo tỷ lệ cư dân khắp nước chuyển đến Bình Dương sinh sống và làm việc ngày càng tăng. Hiện nay, Bình Dương có khoảng 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có khoảng 1 nửa là dân nhập cư. Vì thế, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương là rất lớn, nhưng thực tế khả năng mua được nhà đối với nhiều người dân lao động còn khó khăn do thu nhập còn hạn chế.

Địa phương dẫn đầu cả nước trong phát triển nhà ở xã hội

Trước tình hình đó, Bình Dương rất quan tâm và chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, hộ nghèo và các hộ chính sách trong thời gian qua. Giai đoạn 2016 – 2020, Bình Dương đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng được khoảng hơn 1,33 triệu m2 sàn nhà ở, đạt khoảng 65% kế hoạch xây dựng 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội trong giai đoạn này.

Trong đó, Becamex IDC là đơn vị dẫn đầu khi xây dựng hơn 1 triệu m2 sàn, cung cấp gần 29.000 căn, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 82.664 người. Gần 300.000m2 sàn còn lại thuộc 17 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do các thành phần kinh tế khác đầu tư, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 20.000 người.

TP.HCM thiếu vắng nhà ở giá rẻ: Bài học nhìn từ Bình Dương ảnh 1

Mô hình căn hộ 30m2 với giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn phát triển nhiều ở Bình Dương thời gian qua.

Tỉnh Bình Dương đang chuyển đổi sang huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó đơn vị chủ lực là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP Becamex IDC để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mức giá bán ưu đãi; hỗ trợ cho vay lãi suất thấp để người có thu nhập trung bình và thấp có khả năng tiếp cận. Chính quyền tỉnh cũng kêu gọi chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp bố trí quỹ đất nhằm phát triển các khu nhà ở.

Tổng kết thực tiễn cho thấy, trong số những người mua nhà ở xã hội của Becamex thì công nhân, người lao động chiếm hơn 58%, lao động tự do gần 24% và cán bộ, công chức chiếm 18%. Đây là con số đáng lưu ý trong việc phát triển nhà ở xã hội của Bình Dương trong thời gian tới.

Mô hình phát triển nhà ở an sinh xã hội Becamex trên cơ sở quỹ đất sạch đã được đưa vào sử dụng với mức giá bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của người lao động, kết hợp với các hình thức cho vay mua nhà với các mức giá từ 100 – 200 triệu đồng/1 căn hộ 30m2 nhanh chóng thu hút thị trường và góp phần giải quyết một phần nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà đầu tư phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định. Tại các khu công nghiệp mới hình thành, tỷ lệ mua nhà ở xã hội còn thấp do nhiều người lao động chưa có tiền tích lũy để mua nhà. Trong khi đó, nhà trọ do người dân xây dựng có chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh, chật chội, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao,...

Do đó, chính quyền Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản để đẩy mạnh phát triển loại hình nhà cho thuê (nhà trọ) sang thực hiện nhà ở xã hội cho thuê để góp phần đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội của tỉnh và giúp cho nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp cải thiện chỗ ở. Số liệu so sánh thực tiễn cho thấy, Bình Dương là địa phương có thành tựu phát triển nhà ở xã hội đứng đầu cả nước.

Trong giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, Bình Dương phấn đấu phát triển 1 triệu nhà ở cho công nhân, người lao động. Với đặc trưng phát triển nhà ở xã hội của tỉnh, dự kiến Bình Dương không huy động vốn ngân sách để phát triển nhà ở.

Vốn dành cho nhà ở xã hội, nhà tái định cư vào khoảng hơn 21.000 tỷ đồng từ nguồn thu thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn vay từ quỹ phát triển nhà ở xã hội của tỉnh, các tổ chức tín dụng và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

Cuối tháng 4, TP.HCM đã tổ chức khởi công 3 dự án nhà ở xã hội, gồm Nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II, quy mô 360 căn; Chung cư nhà ở xã hội tại phường Long Trường (cùng thuộc TP.Thủ Đức), quy mô 726 căn và Chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu nhà ở Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh), quy mô 242 căn.

Trước đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM đã đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với gần 15.000 căn hộ và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 756 phòng. Tuy nhiên, số nhà ở xã hội này là quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân lao động trên địa bàn TP. Theo kế hoạch, từ năm 2021 – 2025, TP.HCM dự kiến sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 35.000 căn hộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.