Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, con sông Đồng Nai có ý nghĩa về nhiều mặt. Sông này cũng là tuyến đường thủy huyết mạch kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ vậy, sông Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là về giao thông thủy và du lịch.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án du lịch dọc sông Đồng Nai do Công ty Hoàng Gia Bảo triển khai chưa có những ý tưởng đột phá, chưa phát huy được hết tiềm năng của du lịch sông Đồng Nai.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai Lê Kim Bằng cũng cho rằng nguyên nhân khiến du lịch sông Đồng Nai không phát triển đúng kế hoạch, làm ăn thua lỗ là do doanh nghiệp chưa có một đề án tổng thể về du lịch đường sông.
Cụ thể, đầu năm 2017, Công ty Hoàng Gia Bảo triển khai dự án du lịch dọc tuyến sông Đồng Nai. Từ khi đi vào hoạt động lúc tháng 9/2018 tới nay, công ty đã thua lỗ khoảng 2 tỷ đồng sau khi tổ chức các chuyến du lịch về thượng nguồn và hạ nguồn sông Đồng Nai. Hoạt động kinh doanh đồ ăn, thức uống tại bến tàu Nguyễn Văn Trị cũng bị thua lỗ khoảng 2 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Vân (ngụ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), một du khách đã tham gia du lịch sông Đồng Nai chia sẻ rằng, tuyến du lịch đường sông Đồng Nai đơn điệu và không có điểm nhấn. Cụ thể, bến tàu Nguyễn Văn Trị chỉ có dịch vụ ăn, uống, ngoài ra không còn dịch vụ nào khác. Khi về thượng nguồn sông Đồng Nai, du khách cũng chỉ chủ yếu ngồi trên cano ngắm cảnh vật thiên nhiên. Hơn nữa, cù lao Ba Xê dù được giới thiệu là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí song gần như chưa được đầu tư bất cứ thứ gì.
Canô chở du khách tham quan hai bên bờ sông Đồng Nai qua TP Biên Hòa. (Ảnh: VnExpress) |
Công ty Hoàng Gia Bảo cho biết, lý do khiến doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng được các khu vực thể thao, vui chơi giải trí dưới nước và các điểm vui chơi theo kế hoạch tại cù lao Ba Xê, là do gặp vướng mắc về các thủ tục thuê đất, thuê mặt nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định, chính quyền Đồng Nai rất trăn trở, mong muốn du lịch đường sông phát triển xứng tầm. Để tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy du lịch đường sông, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục đấu giá đất tại các vị trí để doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch.
“Quan điểm của Đồng Nai là sẽ dùng ngân sách xây dựng bến tàu, bởi nếu giao cho doanh nghiệp làm thì sau này doanh nghiệp sẽ khai thác, tạo ra sự độc quyền. Tương lai có nhiều người dân mua phương tiện giao thông thủy về sử dụng, dân cần có chỗ đậu cano, thuyền. Bến tàu do nhà nước xây dựng là để phục vụ nhu cầu của người dân” - ông Cao Tiến Dũng khẳng định.